Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Saudi Arabia có thể chịu đựng dầu giá thấp đến mức nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Saudi Arabia có thể chịu đựng dầu giá thấp đến mức nào?

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Giá dầu đã sụp đổ 30% chỉ trong vòng vài tuần nhưng Saudi Arabia, nước dẫn đầu tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn chưa bị tổn thương quá lớn. Câu hỏi đặt ra cho giới đầu tư là vương quốc dầu mỏ Trung Đông này có thể chịu đựng giá dầu thấp đến mức nào trước khi có những động thái quyết liệt để nâng đỡ giá dầu.

Vì sao Saudi Arabia muốn đầu tư lớn vào Tesla?

Saudi Arabia-Nga cân nhắc thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu

Saudi Arabia có thể chịu đựng dầu giá thấp đến mức nào?
Một mỏ dầu ở Saudi Arabia. Ảnh: Flickr

Có thể chịu đựng mức giá dầu 30 đô la/thùng

Trong phiên giao dịch hôm 29-11, giá dầu Tây Texas (WTI) ở thị trường New York đã có lúc nhúng xuống dưới 50 đô la/thùng, mức thấp nhất trong vòng một năm qua, rời xa mức đỉnh 76 đô la/thùng vào hồi đầu tháng 10. Cùng ngày, giá dầu Brent tại thị trường London cũng rớt thảm hại xuống dưới mức 60 đô la/thùng so với mức đỉnh 86 đô la cách đây gần hai tháng.

Giá dầu sụt giảm nhanh trong thời gian gần đây trước các lo ngại nguồn cung sẽ dư thừa trở lại do triển vọng kinh tế thế giới trong năm tới không còn tươi sáng như dự báo trước đây và nguồn cung dầu vẫn dồi dào khi sản lượng dầu của Mỹ liên tục tăng, trong khi đó, Mỹ cho phép 8 nước tiếp tục mua dầu của Iran dù nước này bị Mỹ tái trừng phạt.

Là nước xuất khẩu dầu dẫn đầu thế giới, Saudi Arabia dĩ nhiên muốn giá dầu cao để được hưởng lợi. Trước bối cảnh giá dầu tuột dốc nhanh trong thời gian gần đây, Saudi Arabia đang gợi ý về khả năng OPEC và các nước đồng minh ngoài OPEC do Nga dẫn đầu sẽ cắt giảm sản lượng dầu trở lại khi các bộ trưởng năng lượng của họ gặp nhau tại hội nghị thường niên ở Vienna, Áo vào ngày 6-12.

Tuy nhiên, Saudi Arabia có thể chịu đựng ngay cả khi giá dầu thấp hơn hiện nay. “Ngay cả khi giá dầu Brent giảm xuống mức sâu hơn 40-50 đô la/thùng, các căng thẳng cán cân thanh toán của Saudi Arabia vẫn chưa xuất hiện”, tổ chức tư vấn kinh tế Capital Economics ở London viết trong báo cáo về tác động của đợt sụp đổ giá dầu đối với các nước vùng Vịnh Ba Tư.

Capital Economics cho biết thậm chí nếu giá dầu Brent rớt về mức 30 đô la/ thùng, Saudi Arabia vẫn có thể trích các nguồn dự trữ ngoại hối để khỏa lấp khoảng cách chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu trong thời gian ít nhất một thập kỷ.

Giá dầu giảm sâu sẽ gây áp lực ngân sách

Một cú giảm mạnh của giá dầu Brent có thể gây áp lực cho ngân sách của Saudi Arabia. Giới phân tích cho biết ngân sách của chính phủ Saudi Arabia phân bổ cho năm 2018 dựa trên kịch bản thận trọng dự báo giá dầu Brent ở mức trung bình 50-55 đô la/thùng. Chi phí để bơm mỗi thùng dầu ở Saudi Arabia chưa đến 10 đô la trong năm 2015 và không thay đổi nhiều kể từ đó.

Saudi Arabia muốn giá dầu cao hơn để thúc đẩy nền kinh tế vốn tăng trưởng âm trong năm 2017 và được dự báo tăng chỉ hơn 2% trong năm nay, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Cách đây một năm, Saudi Arabia dời mục tiêu cân bằng ngân sách từ năm 2020 sang năm 2023 khi nước này đẩy mạnh chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng. Nhờ giá dầu tăng cao trong chín tháng đầu năm nay, mức thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia dự kiến thấp hơn mức mục tiêu 5% GDP.

Lần giá dầu sụp đổ gần đây nhất trong giai đoạn 2014-2015, vương quốc dầu mỏ này đã buộc phải tính toán lại các chỉ số tài chính. Thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia phình to lên mức kỷ lục 100 tỉ đô la trong năm 2015 (tương đương 15% GDP). Vào thời điểm đó, IMF cảnh báo một số nước vùng vịnh bao gồm Saudi Arabia có thể cạn nguồn tài chính dự trữ trong vòng 5 năm nếu giá dầu vẫn neo ở mức thấp. Điều này khiến Saudi Arabia phải cắt giảm các khoản trợ cấp, áp thuế tiêu thụ và tận dụng thị trường trái phiếu toàn cầu chỉ trong vòng hơn một năm để vay mượn hàng chục tỉ đô la, giúp cân bằng tài chính trong nước.

Saudi Arabia cũng bắt đầu thực hiện một chương trình tham vọng để đa dạng hóa đầu tư thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu có tên gọi Tầm nhìn 2030, một sáng kiến được vị thái tử quyền lực Mohammed bin Salman khởi xướng.

Giới phân tích cho rằng Saudi Arabia có thể cần đến một số biện pháp thắt lưng buộc bụng nếu giá dầu vẫn duy trì ở mức thấp trong năm 2019. Tuy nhiên, Saudi Arabia sẽ không sử dụng các biện pháp cực đoan một lần nữa trừ khi giá dầu rớt sâu hơn.

Học giả David Butter từ Chương trình Trung Đông và Bắc Phi ở tổ chức tư vấn Chatham House, London, nhận định rằng giá dầu thấp hơn sẽ khiến cho Saudi Arabia cần khẩn cấp cải cách cấu trúc và tài chính. Ông nói: “Sẽ khó khăn hơn cho chính phủ Saudi Arabia để tiếp tục phát các khoản trợ cấp cho ác công chức”, Butter nói.

Dù đã nỗ lực đa dạng hóa các nguồn thu của nền kinh tế, hiện nay, dầu vẫn chiếm khoảng 70% nguồn thu của chính phủ Saudi Arabia và ngành năng lượng đang đóng góp cho 40% GDP của nước này.

Có khả năng cắt giảm sản lượng

Hồi đầu tháng 11, khi giá dầu lao dốc, Saudi Arabia cho biết sản lượng dầu của nước này sẽ được cắt giảm khoảng 500.000 thùng/ngày vào tháng 12. Saudi Arabia cũng hé lộ rằng sẽ cùng với các nước sản xuất dầu mỏ khác cắt giảm ít nhất 1 triệu thùng/ngày.

Có những thông tin cho biết OPEC và Nga thậm chí có thể nhất trí cắt giảm sản lượng nhiều hơn con số trên khi các bộ trưởng năng lượng của họ gặp nhau tại cuộc họp ở Vienna, Áo vào ngày 6-12 tới.

Đó không phải là những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn. Ông Trump viết trên Twitter hôm 21-11: “Giá dầu đang giảm xuống. Thật tuyệt vời. Giống như Mỹ và thế giới được cắt giảm mạnh thuế. Cảm ơn Saudi Arabia nhưng hãy để giá dầu xuống thấp hơn nữa”.

Ngay hôm sau đó, ông Trump bắn tín hiệu rằng ông sẽ không hành động mạnh mẽ để trừng phạt Saudi Arabia liên quan đến vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại lãnh sứ quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10. Ông Trump có lẽ đang cố gắng thuyết phục Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, tiếp tục duy trì giá dầu ở mức thấp.

Tuy nhiên, Bjornar Tonhaugen, Giám đốc nghiên cứu thị trường dầu ở Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy nhận định: “Có khả năng Saudi Arabia sẽ thuyết phục các bộ trưởng OPEC rằng cần phải cắt giảm sản lượng nhưng các cuộc đàm phán và tính toán trong lần này sẽ là một tiến trình dài và khó khăn nhất”.

Theo CNN Business

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới