Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp vẫn phải “bôi trơn” cho hải quan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp vẫn phải “bôi trơn” cho hải quan

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Chi phí “lót tay" trong quá trình thông quan dù đã giảm những vẫn là “nút thắt" cần giải quyết để nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với ngành hải quan.

Doanh nghiệp vẫn phải
Chi phí bôi trơn dù giảm nhưng vẫn ảnh hưởng lớn tới mức độ hài lòng của doanh nghiệp. Ảnh: TL

Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian gần đây, các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập khẩu theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tại Hội nghị Công bố Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 diễn ra ngày 8-1, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, là một trong những ngành đi đầu trong xu hướng này, ngành hải quan đã áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại. Thời gian qua, hải quan đã áp dụng một số giải pháp như áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu quản lý hải quan; chuyển căn bản từ tiền kiểm sang hậu kiểm; phát triển cổng thông tin một cửa quốc gia kết nối thủ tục hành chính quản lý xuất nhập khẩu của các bộ, cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành với cơ quan hải quan nhằm rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Cùng với ngành hải quan, các bộ quản lý, kiểm tra chuyên ngành cũng đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu. Những nỗ lực của các Bộ, ngành đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, phản ánh qua nhiều con số tương đối tích cực trong thời gian gần đây.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2018, ngành dệt may phát triển khá ngoạn mục với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng hơn 36 tỉ đô la Mỹ, tăng 16% so với năm 2017. Như vậy, dung lượng xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2018 đạt xấp xỉ 58 tỉ đô la Mỹ, với hàng trăm nghìn container về hàng may mặc, bông, xơ sợi.

“Có được thành công như vậy là nhờ ngành hải quan”, ông Cẩm nói. “Chúng tôi đánh giá cao cải cách của ngành này trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, vẫn còn nhiều việc cần làm để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Theo điều tra của VCCI, trên thực tế, cho đến tháng 6-2018 mới chỉ khoảng 6% các mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra chuyên ngành. Thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ ba lần so với các nước ASEAN – 4.

Để kiểm tra mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thực hiện thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018, VCCI cùng với các tổ chức liên quan đã thực hiện khảo sát từ ngày 1-1-2017 đến tháng 5-2018. Khảo sát này nhận được 3.172 phiếu phản hồi, với hơn 3.000 phiếu phản hồi chất lượng. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân chiếm 46%; doanh nghiệp FDI chiếm 33%; doanh nghiệp nhà nước chiếm 17%.

Liên quan tới việc phí bôi trơn trong lĩnh vực hải quan, kết quả khảo sát cho thấy, có 56% doanh nghiệp cho biết họ không chi trả chi phí ngoài quy định. Bên cạnh đó có 26% doanh nghiệp lựa chọn phương án “không biết” và có 18% doanh nghiệp thừa nhận phải chi trả chi phí ngoài quy định.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, theo số liệu khảo sát năm 2018, có 52% doanh nghiệp cho biết họ không bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí ngoài quy định. Có 34% doanh nghiệp không biết có bị phân biệt đối xử hay không. Chỉ có 15% doanh nghiệp cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu; trong khi năm 2015, tỷ lệ này là 31%.

Trong số các doanh nghiệp nhận thấy bị phân biệt đối xử, hình thức phổ biến nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục (93%). Ngoài ra, 69% phản hồi cho rằng doanh nghiệp có thể bị gây khó khăn trong lần làm thủ tục sau. Các hình thức phân biệt khác bao gồm yêu cầu giấy tờ, chứng từ không theo quy định (48%) và thái độ không văn minh lịch sự (41%).

Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp phải trả chi phí ngoài quy định có mức độ hài lòng thấp hơn rõ rệt so với số doanh nghiệp còn lại. Trong các thủ tục hải quan, chi phí ngoài quy định trong khâu kiểm tra hồ sơ dễ ảnh hưởng nhất đến mức độ hài lòng của doanh nghiệp. Tiếp sau đó là chi phí ngoài quy định trong khâu kiểm tra thực tế hàng hóa.

“Việc phải trả chi phí không chính thức ảnh hưởng rất lớn đến mức độ hài lòng chung của doanh nghiệp với thủ tục tại cơ quan hải quan”, ông Tuấn nói.

Trong biểu mẫu khảo sát, nhóm nghiên cứu sử dụng thang điểm từ 1 (“rất không hài lòng”) đến 5 (“rất hài lòng”). Giữa hai doanh nghiệp tương đồng về loại hình, ngành nghề, quy mô vốn, địa điểm và hình thức thực hiện thủ tục, thì doanh nghiệp phải trả chi phí ngoài quy định sẽ có điểm hài lòng thấp hơn đến 0,76 điểm so với doanh nghiệp kia.

“Do đó, việc giảm chi phí kiểm tra chuyên ngành sẽ có tác động lớn tới mức độ hài lòng của doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp mong muốn ngành hải quan và các cơ quan nhà nước có liên quan cần tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, kế đến là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và tăng cường quan hệ đối tác doanh nghiệp – hải quan.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cần tăng cường công khai minh bạch, nâng cao kỷ cương, kỷ luật và năng lực giải quyết công việc của công chức hải quan. Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng cần tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất nhằm tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Mời đọc thêm:

“Hải quan không còn “mật, mỡ” gì nữa”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới