Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao dân Trung Quốc giảm mua xe?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao dân Trung Quốc giảm mua xe?

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Cú sụt giảm doanh số xe lần đầu tiên trong hai thập kỷ ở Trung Quốc đang gây áp lực lớn cho các hãng xe trên toàn cầu vốn đặt cược lớn vào thị trường đông dân nhất thế giới. Người dân Trung Quốc không còn sốt sắng mua xe và nguyên nhân có thể là do chính phủ cắt bỏ trợ cấp thuế mua xe, siết chặt tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế suy yếu.

Trung Quốc đặt tham vọng vào ngành sản xuất ô tô

Các hãng xe nước ngoài “lĩnh đòn” ở Trung Quốc

Vì sao dân Trung Quốc giảm mua xe?
Ngân hàng Goldman Sachs cho biết lượng xe tồn kho ở Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong nhiều năm. Ảnh: Reuters

Cao Chenyi, chủ một đại lý xe Cadillac ở Thượng Hải, vừa trải qua một năm kinh doanh bết bát. Nhu cầu xe Cadillac ở Trung Quốc giảm 30% trong năm 2018. Ông phải đóng cửa 5 trong số 11 đại lý mà doanh nghiệp gia đình ông đang sở hữu. Ông cũng phải bán tống bán tháo lượng xe Cadillac đang tồn kho quá nhiều và có những mẫu xe giảm đến 50%. Do vậy, càng bán được nhiều xe ông càng lỗ.

Năm 2018 là một năm cực kỳ khó khăn cho ngành công nghiệp ô tô ở Trung Quốc. Chỉ có 22 triệu xe mới được tiêu thụ ở vào năm ngoái, giảm gần 6% so với năm 2017 và cũng là cú sụt giảm doanh số xe lần đầu tiên trong hai thập kỷ.

Cao Chenyi cho rằng nguyên nhân khiến doanh số xe sa sút là do nhà nước cắt trợ cấp thuế mua xe. Ông nói: “Trong năm 2018, chính phủ đã bãi bỏ trợ cấp thuế mua xe và đây là một cú sốc đối với chúng tôi”. Nhiều người khác cho rằng động thái thắt chặt tín dụng của Bắc Kinh đã khiến nhu cầu mua xe của người dân sụt giảm.

Sau một thập kỷ, khối nợ của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi, tương đương gần 300% GDP của nước này. Trong năm 2018, Trung Quốc đã xoay sở ứng phó các hậu quả của một cuộc khủng hoảng tín dụng mà trọng tâm là thị trường cho vay ngang hàng (P2P). Các nền tảng P2P cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và người dân nhờ vào nguồn tiền huy động từ những người dân và doanh nghiệp khác.

Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực giảm nợ trong nền kinh tế. Sự sụp đổ của nhiều nền tảng P2P đã tác động lớn đến doanh số xe và nhà cửa vì một lượng lớn tiền vay từ thị trường P2P được dùng để đặt cọc mua bất động sản và mua xe.

Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng trong 5 năm qua, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở Trung Quốc trở thành một chỉ số hàng đầu để dự báo mức tăng trưởng doanh số xe. Song các khoản vay mua ô tô đang tăng trưởng chậm lại sau khi tăng đến mức chiếm gần 40% doanh số xe. Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs cho biết lượng xe tồn kho ở Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong nhiều năm. Họ dự báo doanh số xe Trung Quốc vào năm 2021 sẽ thấp hơn so năm 2017.

Nhà kinh tế Andy Xie lý giải trước đây hoạt động vay nợ tăng mạnh mẽ đã giúp các nhu cầu duy trì ở mức cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản và ô tô. “Giờ đây, thị trường bất động sản đang lung lay và điều này ảnh hưởng đến rất nhiều thứ”, ông nói. Ông cho rằng doanh số xe có mối tương quan chặt chẽ với doanh số bất động sản. Ông nói: “Khi mọi người mua bất động sản thì thông thường họ cũng mua xe vào lúc đó. Nên khi thị trường bất động sản chuyển biến xấu nhu cầu mua xe cũng giảm”.

Sun Qiang, 45 tuổi, chủ một tiệm cắt tóc ở Thượng Hải, thích mua một chiếc xe thể thao đa dụng mang thương hiệu Trung Quốc nhưng vẫn chờ dành dụm đủ tiền mới mua, chứ không muốn vay nợ. Theo ông: “Tôi nghĩ một số đại lý xe muốn tăng doanh số nên họ cần những khách hàng vay nợ để mua xe nhưng là một người Trung Quốc truyền thống, tôi nghĩ tôi chỉ mua xe khi có đủ sức chi trả”.

Sun Qiang cho biết ông quan tâm nhiều hơn đến mức chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và các chi phí cho việc cần kíp khác. Những người tiêu dùng có cách nghĩ truyền thống như Sun Qiang cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số xe ở Trung Quốc.

(Theo BBC)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới