Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá cà phê: kỳ vọng nào cho năm mới?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá cà phê: kỳ vọng nào cho năm mới?

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Giá cà phê trong nước đang rớt xuống mức đáng ngại, từ 53 triệu đồng vào đầu năm 2011 thì đến những ngày đầu năm 2019 chỉ còn quanh 33 triệu đồng mỗi tấn.

‘’Đó là mức mua bán tại kho các công ty lớn và trung tâm chế biến, chứ ở đây thương lái chỉ mua của chúng tôi chừng 31-32 triệu đồng mỗi tấn’’, chủ một nhà vườn tên Liên ở xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Tết Kỷ Hợi chỉ còn chưa tròn nửa tháng (5-2-2019). Nông dân vừa thu hoạch xong mùa mới, nhiều người phân vân chưa biết bán hay để sản phẩm lại chờ cơ hội.

Xuất khẩu mạnh, giá kỳ hạn giảm

Nếu tính trong vòng 10 năm nay với đỉnh lập vào tháng 5-2011 ở mức 2.611 đô la Mỹ/tấn thì giá đóng cửa sàn cà phê robusta London ngày  22-1 chỉ còn 1.516, giảm 1.095, còn nếu tính tròn 2 năm từ 2017, giá hiện thời mất 766 đô la (2.282 so với 1.516). Cũng từ đỉnh của 2017, giá tuột dần và có lúc đã chạm đáy trong kỳ ở 1.468 đô la (xem hình 1).

Giá cà phê: kỳ vọng nào cho năm mới?

Đợt giá lên mạnh trên thị trường thế giới trong các năm 2010-2011 đã kích thích các nước sản xuất mở rộng diện tích và thực hiện các chương trình tái canh, thay cây giống cũ năng suất thấp bằng các giống mới, kháng bệnh tốt hơn và năng suất vượt trội hơn.

Những năm trước, khi chưa có chương trình tái canh, sản lượng Brazil chỉ chừng 40-45 triệu bao (60 ki-lô-gam/ bao) thì đến niên vụ 2018-2019 đạt trên 63 triệu bao, Colombia từ 7 triệu bao nay trên 14 triệu bao.

Chính vì thế, tổng lượng xuất khẩu cà phê toàn cầu hai năm gần nhất tăng dần, từ 118,5 triệu bao năm 2017 lên 123,5 triệu bao năm 2018. Cộng thêm niên vụ 2018-2019 Brazil được mùa, cà phê đang được bán ồ ạt. Cơ quan thống kê của 2 nước sản xuất lớn nhất thế giới cho biết trong năm 2018, Brazil xuất khẩu cà phê đạt 31,52 triệu bao (+15%), Việt Nam 31,33 triệu bao (+20%).

Đoán được sản lượng cà phê toàn cầu tăng, các quỹ đầu cơ tài chính trên các sàn kỳ hạn cà phê đã bán khống số lượng lớn. Lượng dư bán ở thị trường arabica New York, nơi các nhà kinh doanh cà phê Brazil, Colombia và nhiều nước Trung Mỹ thường dùng để tham chiếu, có lúc đạt kỷ lục lịch sử với gần 2 triệu tấn (17-10-2018). Hiện nay, con số dư bán đã dịu nhưng vẫn ở mức cao, ước New York chừng 1 triệu tấn và sàn robusta London gần 0,3 triệu tấn.

Xuất hiện vài đốm sáng trên bức tranh tối

Hoạt động giá cà phê kỳ hạn không chỉ chịu ảnh hưởng bởi yếu tố cung-cầu, nó còn chịu qui định bởi luồng vốn trên thị trường tài chính và hoàn cảnh của nền kinh tế vĩ mô.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc nổ ra từ tháng 3-2018 đã ‘’kéo xệch’’ giá nhiều mặt hàng nông sản xuống như đậu nành, bắp, lúa mì, bông vải… Dù mặt hàng cà phê không chịu ảnh hưởng nhiều, phần nào đó nó vẫn bị ‘’vạ lây’’ theo một mặt bằng giá nông sản thấp.

Sau thời gian ‘’ăn miếng trả miếng’’, cả hai bên tham chiến thương mại có vẻ thấm đòn, tăng trưởng kinh tế cả Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu giảm, phía Mỹ gặp thêm đợt ‘’đóng cửa một phần’’ (shutdown) các cơ quan chính quyền, đã thúc đẩy Mỹ và Trung Quốc tìm tiếng nói chung để hạ nhiệt căng thẳng.

Các thị trường thương phẩm nông sản ‘’bị đạn’’ còn đợi các quyết định chính thức để cụ thể hoá kế hoạch cắt giảm áp thuế nhập khẩu từ hai phía, nhưng tâm lý tại các thị trường tài chính xem ra có phần nhẹ nhõm. Giá các kỳ hạn nông sản, kể cả cà phê đã nhích lên dần sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói sẽ hạ mức thuế cho một số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tin này chắc chắn có ảnh hưởng trực tiếp đến giá nhiều mặt hàng nông sản vì đã xuống quá đà. Mặt khác, Brazil cho biết niên vụ 2019-2020 sản lượng cà phê của họ cũng giảm chừng 15% do nước này đi vào chu kỳ thất thu, chưa tính yếu tố mất mùa do thời tiết như hạn hán hay sương giá.

Hai yếu tố ấy cộng lại, có thể sẽ giúp các quỹ đầu tư trên các sàn cà phê giảm bán, nếu không muốn nói sẽ quay sang mua lại dần. Trước mắt, thị trường cà phê đang chờ một đợt điều tiết vốn trên các sàn giao dịch. Tính từ 52 tuần trở lại đây, giá trên sàn robusta London mất 15% và sàn New York âm 30%. Thường những sàn bị mất điểm năm trước do giới đầu tư rút vốn vượt mức, nay lại được bù. Đó là các đốm sáng thấy được cho giá cà phê. Chính với cách chu chuyển luồng vốn như thế, đôi khi không phải lúc nào được mùa cũng mất giá như suy nghĩ quen thuộc của thị trường.

Chỉ ngại một điều do tâm lý chờ giá cao không bán cà phê ra thị trường, nhiều người đem gởi hàng vào kho những nhà xuất khẩu trong nước và nước ngoài nhưng vẫn nhận tiền tạm ứng. Một lượng hàng cực lớn chờ và treo bán trên tháng 3-2019. Đó là quả bom nổ chậm nếu như mọi người đều bán ra một lượt cùng một thời điểm khi giá lên cao.

Nên, trái banh về giá cà phê hiện nay không chỉ nằm bên các nhà đầu tư tài chính và bên nhập khẩu. Quyết định ra hàng bao nhiêu, như thế nào và lúc nào của bên bán để tháo được ngòi nổ một cách an toàn… đang nằm trên chân của các nước xuất khẩu, nhất là hai nước lớn Brazil và Việt Nam.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới