Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vốn ngoại núp bóng, gian lận thương mại được đưa vào “tầm ngắm”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vốn ngoại núp bóng, gian lận thương mại được đưa vào “tầm ngắm”

Vũ Dung

(TBKTSG Online) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ siết chặt việc chọn lọc các dự án đầu tư FDI giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Vốn ngoại núp bóng, gian lận thương mại được đưa vào
Sàng lọc dự án FDI là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Ảnh: Bộ KH&ĐT

Việt Nam được cho là một trong những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nhận được lượng lớn nguồn vốn đầu tư FDI trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới. Song, điều này cũng đặt gánh nặng lên cơ quan quản lý trong việc quản lý chất lượng dòng vốn và vấn đề gian lận xuất xứ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội nghị trực tuyến "Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm" ngày 18-7 đã chỉ đạo: “Đây là giai đoạn cần phải làm tốt vai trò thu hút FDI”. Cần thiết kế bộ lọc để lựa chọn được các doanh nghiệp FDI chất lượng, theo Phó Thủ tướng.

Thủ tướng Chính phủ hồi đầu tháng 7 đã phê duyệt đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Đây là một trong những nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm ngăn chặn hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa.

“Chúng ta phải đấu tranh không khoan nhượng với đầu tư chui, đầu tư núp bóng, lẩn tránh thương mại cũng như gian lận xuất xứ hàng hoá trong điều kiện hiện nay”, Phó Thủ tướng Huệ nhấn mạnh. Ông cũng đề nghị ngành kế hoạch và đầu tư kiểm tra một số địa bàn trọng điểm liên quan tới vấn đề cấp phép đầu tư FDI cũng như cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tiết lộ, việc thu hút đầu tư trong thời gian tới phải trên cơ sở có chọn lọc.

Bộ KH&ĐT có kế hoạch đặt những dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tốn nhiều năng lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, những dự án có dấu hiệu núp bóng đầu tư nhằm tránh xuất xứ, gian lận thương mại vào “tầm ngắm".

Tuy vậy, đối với những địa phương đang gặp khó khăn về kinh tế, việc thu hút nguồn vốn FDI không dễ dàng, lãnh đạo ngành KH&ĐT vẫn “mở" cho những địa bàn này cấp phép dự án thâm dụng lao động nhưng phải sử dụng công nghệ thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cảnh báo các địa phương “cần thận trong đưa ra cam kết về ưu đãi, chú ý khâu thẩm tra, chấp thuận đầu tư, xem xét các yếu tố về công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh”.

Bên cạnh việc chọn lọc nhà đầu tư, Bộ KH&ĐT cũng đặt trọng tâm vào nhiệm vụ chuẩn bị tiếp nhận đầu tư, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các yếu tố đầu vào trong sản xuất.

Đây là nhiệm vụ cấp bách bởi trong bối cảnh khả năng tiếp nhận nguồn vốn đầu tư FDI của Việt Nam hiện nay rất hạn chế, khó có thể tiếp nhận được số lượng lớn dự án FDI. Thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI trong nước đã lên tiếng về tình trạng rằng khan hiếm nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng quá tải, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của họ, đặc biệt là việc đáp ứng thời gian giao hàng.

Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, sáu tháng đầu năm, cả nước đã thu hút 1.723 dự án cấp phép mới, tăng 26,1%; tổng số vốn đăng ký đạt 7,41 tỉ đô la Mỹ, giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, nguồn vốn từ thị trường Trung Quốc và Hồng Kông lại tăng mạnh. Cũng theo số liệu của ngành thống kê, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và góp vốn mua cổ phần của hai thị trường Trung Quốc và Hồng Kông sáu tháng đầu năm đạt 7,5 tỉ đô la. Trong khi cả năm 2017, nguồn vốn từ hai thị trường này chỉ đạt 3,7 tỉ đô la; năm 2018 là 5,8 tỉ đô la.

Mời đọc thêm:

Xuất khẩu vào Mỹ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới