Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin - tương lai cho sàn TMĐT về công nghiệp hỗ trợ
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Hàng ngàn doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất ô tô, điện tử, dệt may và da giày đã tham gia hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nhằm tìm kiếm cơ hội liên kết chuỗi cung - cầu trong và ngoài nước.
 |
Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam cần được kết nối nhanh hơn để không đứt gãy chuỗi cung cầu. Ảnh: TL |
Bộ Công Thương và nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), Bộ Ngoại giao - Thương mại Úc… đã khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ hôm 19-6.
Sở dĩ kênh kết nối cơ sở dữ liệu này được cho ra mắt là vì các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ giữ vai trò là nguồn động lực dẫn dắt nền kinh tế, giúp thu hút nguồn đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng năm 2019, cả nước thu hút được 31,8 tỉ đô la thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo này đã chiếm tỉ trọng đến 21,6 tỉ đô (tương đương 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký). Tuy nhiên, liên kết đầu - cuối trong chuỗi cung cầu còn yếu. Nên việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, kết nối nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn lớn nước ngoài là rất cần thiết.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã kết nối và thu thập được dữ liệu của 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, 347 doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, 750 doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, 1.145 doanh nghiệp dệt may và 910 doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày để đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói: “Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối B2B trong nước với nước ngoài".
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, hệ thống này giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 vẫn còn có diễn biến phức tạp, các hoạt động giao thương trực tiếp gặp nhiều khó khăn, hệ thống này sẽ càng phát huy vai trò của mình, giúp doanh nghiệp kết nối và nắm bắt cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như CPTPP hay mới đây nhất là EVFTA.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, tài chính để mở rộng thông tin hệ thống thông tin dữ liệu của nhiều ngành hàng và tiếp tục phát triển các tính năng mới cho phép doanh nghiệp tự tạo gian hàng giới thiệu sản phẩm, tiến đến thiết lập một sàn thương mại điện tử về công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp chủ động tiếp cận, thúc đẩy hợp tác hơn.