Trung ương sẽ thu về nhiều hơn nếu tăng ngân sách để lại cho TPHCM
Hùng Lê
(TBKTSG Online) - Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng trung tâm kinh tế lớn nhất nước có căn cứ khoa học để nói rằng khi tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM thì phần nộp cho trung ương cũng sẽ tăng thêm nhiều hơn.
TPHCM: Mức đóng góp ngân sách tăng, phần được giữ lại giảm
 |
Hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn của TPHCM hiện nay. Trong ảnh là một góc hạ tầng giao thông đẹp của TPHCM. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã thông tin như trên trong phần phát biểu bế mạc Hội nghị Thành ủy lần thứ 42, nhiệm kỳ 2016-2020 vào ngày 8-7.
Tăng điều tiết ngân sách cho TPHCM, trung ương tăng khoản thu
Trong phần nội dung kết luận của mình, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu lại việc tỷ lệ ngân sách điều tiết để lại TPHCM hiện nay là thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển Thành phố. Cụ thể tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM hiện nay là 18%.
"Đây là thực tế không phải bây giờ mới nói mà cách đây 3 năm thành phố đã báo cáo Bộ Chính trị và đã cho phép chúng ta đề xuất điều chỉnh lại tỷ lệ điều tiết”, ông Nhân chia sẻ. Theo ông Nhân, lãnh đạo thành phố sẽ sớm có buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn tới.
TPHCM xây dựng đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố theo hướng cam kết được để lại càng nhiều thì đóng góp trở lại cho ngân sách càng lớn hơn.
Cụ thể, theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM là trung tâm kinh tế hiệu quả nhất cả nước, năng suất lao động gấp 2,7 - 2,9 lần bình quân cả nước. Và cứ một đồng vốn đầu tư công ở TPHCM bỏ ra thu hút được từ 10 đến 14 đồng vốn đầu tư tư nhân.
Do đó, theo phân tích của ông Nhân, để lại tiền cho thành phố thì huy động nguồn vốn xã hội gấp hơn 10 lần. Để lại 1 đồng thì khi có lao động sẽ tạo ra năng suất lao động gấp 3 lần cả nước. Thành phố có cơ sở khoa học để khẳng định rằng tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố nhiều hơn thì Trung ương sẽ thu nhiều hơn.
Ông Nhân nêu kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM trong 5 năm tới (2021 - 2025) là 24%, và 5 năm tiếp theo (2026 - 2030) là 28% so với phương án 18% trong 10 năm tới, thì phần nộp về Trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỉ đồng (tương đương 14,8 tỉ đô la Mỹ). Đồng thời, ngân sách TPHCM cũng được tăng thêm khoảng 395.000 tỉ đồng.
 |
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 7 và 8-7. Ảnh: Lê Hoàng |
Hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn
Dù là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước cũng như có nhiều mô hình phát triển đi đầu hiệu quả cao nhưng TPHCM cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó đáng chú ý, Bí thư Thành ủy TPHCM đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế còn tồn tại và chưa khắc phục của địa phương.
Đó là việc bố trí cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý và phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế của Thành phố. Đất dành cho công nghiệp, dịch vụ chỉ chiếm 5% trong cơ cấu, trong khi hai lĩnh vực này đóng góp tới 90% GDP cho thành phố. Theo ông Nhân, TPHCM đã nhìn thấy vấn đề này, đã đề ra giải pháp nhưng trong nhiệm kỳ này thì chưa thể mang lại hiệu quả và tác dụng như mong muốn.
Một hạn chế nữa đó là tính hấp dẫn môi trường kinh doanh, đặc biệt là hấp dẫn các doanh nghiệp còn hạn chế.
Theo Bí thư Thành ủy, dù chỉ số điểm cạnh tranh địa phương tăng liên tục 5 năm qua, nhưng so với các địa phương khác thì bị tụt hạng. Năm 2015, Thành phố đứng thứ 6 thì đến năm 2019 tụt xuống thứ 14. Ông Nhân cho rằng đây là điểm cần phải khắc phục vì địa phương đang có đến khoảng 400.000 doanh nghiệp hoạt động.
Mặt khác, tính liên kết vùng giữa Thành phố với các khu vực khác rất yếu. Theo Bí thư Thành ủy dù đã có nhiều cuộc hội thảo, ký kết nhưng chưa mang lại hiệu quả cao. Do đó, theo ông Nhân, trong nhiệm kỳ tới cần thúc đẩy mạnh hơn tính liên kết vùng. Hay việc liên kết doanh nghiệp, nhà khoa học và chính quyền hiệu quả cũng chưa cao.
Đáng chú ý là hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông chưa được phát triển đồng bộ, còn nhiều hạn chế. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là điểm nghẽn lớn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của của một trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước.