Trả giá đắt cho sự mất cảnh giác
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
(TBKTSG) - Đà Nẵng đã tái áp đặt lệnh cách ly xã hội từ ngày 28-7. Điều tương tự cũng đã được áp dụng tại Buôn Ma Thuột, thành phố Hội An cùng năm huyện và thị trấn tại Quảng Nam. Tại TPHCM và Hà Nội, tất cả quán bar và vũ trường cũng được lệnh phải tạm thời đóng cửa. Với nhiều cơ sở kinh doanh may mắn sống sót qua đợt cách ly xã hội trước, đợt dịch lần này có thể là dấu chấm hết.
 |
Khu vực cách ly đặc biệt liên quan đến bệnh nhân Covid. Ảnh: VGP |
Tính đến ngày công bố bệnh nhân Covid-19 số 416, Việt Nam đã trải qua 99 ngày không phát hiện ca nhiễm nào trong cộng đồng, nhưng trước đó Thủ tướng Chính phủ vẫn không công bố Việt Nam hết dịch mà trái lại còn thường xuyên yêu cầu phải cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh quay trở lại. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng trở nên khó lường hơn trên thế giới, sự cẩn trọng là vô cùng cần thiết. Đáng tiếc là tinh thần đó đã không được chấp hành nghiêm túc ngay tại những cơ quan được xem là tuyến đầu phòng chống dịch như các khu vực biên giới và cơ sở y tế.
Những thông tin liên quan đến một số ca lây nhiễm trong cộng đồng được báo chí công bố trong hơn một tuần qua, cộng với việc có quá nhiều nhân viên y tế bị nhiễm bệnh trong đợt dịch này, cho thấy đã có sự mất cảnh giác với Covid-19 ở nhiều bệnh viện. Dường như những cơ sở y tế này đã quên rằng Việt Nam vẫn đang còn trong tình trạng dịch bệnh chừng nào Thủ tướng Chính phủ chưa công bố hết dịch.
Câu hỏi đặt ra là nếu phản ứng như trong những tháng đầu dịch bùng phát ở Việt Nam, và với tinh thần chống dịch như chống giặc của giai đoạn đó, thì liệu với những bệnh nhân “có dấu hiệu sốt và đau ngực” và “dùng thuốc năm ngày mà không giảm triệu chứng” thì bệnh viện có dễ dàng chấp nhận “cho về” khi chưa làm xét nghiệm để tìm kiếm virus SARS-CoV-2 và chắc chắn về kết quả không?
Rõ ràng, việc chống dịch thành công trong giai đoạn đầu, cộng với thành quả giữ cho không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng trong suốt nhiều tháng trời, đã khiến chúng ta lơ là và mất cảnh giác. Những việc làm để bảo vệ bản thân và người xung quanh trước nguy cơ dịch bệnh như rửa tay, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đặc biệt là ở những nơi có nhiều rủi ro dịch bệnh lây lan như bệnh viện, dần lùi vào quên lãng.
Dịch Covid-19 đã và đang tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế Việt Nam. Hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phải đóng cửa hoặc thu hẹp hoạt động; hàng triệu người bị mất việc làm và hàng chục triệu người may mắn còn việc nhưng cũng bị giảm thu nhập. Trong tình cảnh đó, việc các doanh nhân và người kinh doanh, do phải chiến đấu để “giành giật sự sống” cho doanh nghiệp của mình mà có phần lơ là với nguy cơ dịch bệnh, là phần nào có thể hiểu được. Nhưng chính vì vậy mà các cơ quan có nhiệm vụ đi đầu trong việc phòng chống dịch càng phải tỉnh táo và cảnh giác, để trở thành chỗ dựa cho người dân và doanh nghiệp.
Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 trong giai đoạn đầu. Với những kinh nghiệm và kỹ năng phòng chống dịch đã tích lũy được, chúng ta có niềm tin đợt bùng phát mới này cũng sẽ sớm được kiểm soát. Cái giá phải trả cho sự mất cảnh giác với dịch bệnh là không nhỏ, nhưng hy vọng nó sẽ không trở thành uổng phí vì chắc chắn Covid-19 không phải là đại dịch cuối cùng của thế giới.