Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Scooter điện, phương tiện di chuyển tương lai ở các thành phố Mỹ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Scooter điện, phương tiện di chuyển tương lai ở các thành phố Mỹ?

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Với mức phí cho thuê rẻ, có tính cơ động cao và thân thiện với môi trường, những chiếc scooter điện ngày càng được nhiều người dân ở các thành phố Mỹ chuộng dùng.

Các chuyên gia giao thông kỳ vọng, scooter điện sẽ trở thành phương tiện đi lại thịnh hành trong tương lai tại các trung tâm thành phố nếu như các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quy định khuyến khích sử dụng chúng, theo hãng tin Bloomberg.

Scooter điện, phương tiện di chuyển tương lai ở các thành phố Mỹ?
Người dân sử dụng scooter điện dùng chung ở TP Santa Monica, bang California. Ảnh: AFP

Bùng nổ dịch vụ dùng chung scooter điện

Một trong những câu chuyện kinh doanh gây sự chú ý trong năm nay tại Mỹ là sự phát triển bùng nổ của các công ty cung cấp dịch vụ cho thuê scooter điện với những cái tên như Bird, Lime, Skip, Spin và Scoot.

Những chiếc scooter điện của họ xuất hiện nhan nhãn trên các đường phố và lối đi vỉa hè ở 70 thành phố khắp nước Mỹ.

Dịch vụ cho thuê scooter điện của họ cho phép người dùng tìm vị trí của scooter điện và mở khóa bằng ứng dụng di động.

Họ có thể bỏ lại chúng gần như bất cứ nơi đâu sau khi sử dụng xong.

Một số tài xế và người đi bộ xem scooter điện là một phương tiện đi lại nguy hiểm cần phải ngăn chặn. Trong khi đó, các nhà quy hoạch đô thị lại kỳ vọng, cùng với xe đạp, scooter điện sẽ là phương thức di chuyển tương lai ở các khu vực nội thành.

Trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư dồn dập rót tiền vào Bird và Lime, hai công ty cung cấp dịch vụ dùng chung scooter điện đang chạy đua giành giật thị phần ở từng thành phố của Mỹ.

Thậm chí, các hãng gọi xe như Uber và Lyft cũng đang khởi động cuộc chiến ở mảng kinh doanh xe điện dùng chung.

Bird, có trụ sở ở thành phố Santa Monica, bang California, là công ty đã khởi động xu hướng scooter điện vào cuối năm 2017 với việc ra mắt dịch vụ tại Santa Monica.

Chẳng bao lâu sau, scooter điện của Bird xuất hiện khắp nơi ở nước Mỹ.

Công ty khởi nghiệp Bird, được thành lập bởi Travis VanderZanden, người từng giữ chức phó chủ tịch Uber và Giám đốc hoạt động Lyft, đang quản lý dịch vụ cho thuê scooter điện ở 40 thành phố ở Mỹ.

Trong khi đó, Lime, đối thủ chính của Bird, có trụ sở ở thành phố San Mateo, bang California, cũng đã thiết lập sự hiện diện ở 20 thành phố của Mỹ. Lime và Bird tính phí cho thuê cố định đối với scooter điện là 1 đô la Mỹ cộng với 15 cent cho mỗi phút sử dụng.

Năm nay, Bird đã mở rộng dịch vụ dùng chung scooter điện sang Pháp và Israel, trong khi đó, Lime cũng đã có mặt ở Pháp, Đức và Tây Ban Nha.

Giải pháp cho giao thông đô thị?

Bird và Lime đang huy động vốn dựa trên mức định giá lần lượt 2 tỉ đô và 1,1 tỉ đô vì các nhà đầu tư kỳ vọng thị trường scooter điện sẽ tăng trưởng nhanh khi mọi người làm việc trong thành phố và các sinh viên ở các trường đại học xem đây phương tiện hiệu quả và tiết kiệm để đi lại các chặng ngắn.

Kyle Lui, một lãnh đạo ở quỹ đầu tư DCM Ventures, đang đầu tư vào Lime, cho biết, scooter điện sẽ giúp mọi người di chuyển đến điểm cuối trong hành trình của họ nhanh hơn bất kỳ phương tiện giao thông nào khác, chẳng hạn như từ ga tàu, trạm dừng xe buýt đến văn phòng làm việc.

Tại trung tâm thành phố San Francisco, bang California, nơi giao thông thường kẹt cứng vào giờ cao điểm và mạng lưới đường một chiều dày đặc có thể khiến nhiều hành trình dài hơn dự kiến, scooter điện cung cấp một phương thức đi lại hoàn hảo cho những chặng ngắn.

Mọi người làm việc ở các trung tâm thành phố thường phải đi một quãng đường từ 1-3km để đến nơi ăn trưa. Vào mùa hè nóng nực, đi bộ đến điểm ăn trưa sẽ rất vất vả.

Nếu đi xe Uber, chi phí sẽ khá đắt, đó là chưa kể nguy cơ bị kẹt xe. Nếu tự lái xe, việc tìm kiếm chỗ đỗ xe cũng mất nhiều thời gian. Do vậy, scooter điện trở thành sự lựa chọn ưu tiên của họ.

Tuy nhiên, bài toán lợi nhuận đặt ra đối các công ty dịch vụ chia sẻ scooter điện là không dễ dàng.

Ngoài chi phí đầu tư mua sắm scooter điện, họ còn phải có nguồn vốn để dành cho chi phí bảo dưỡng và sạc pin scooter điện hàng ngày.

Ngoài ra, có rất ít lý do để tin rằng, người dùng trung thành với dịch vụ của một công ty. Hơn nữa, nếu các đối thủ cạnh tranh hạ giá cho thuê, biên lợi nhuận của họ sẽ ngày càng mỏng.

Hiện nay, hầu hết các công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ scooter điện không tự sản xuất scooter điện mà đặt hàng  từ các nhà sản xuất Trung Quốc, rồi gắn thương hiệu vào.

Tuy nhiên, Lime là một trong những trường hợp ngoại lệ. Ngay từ đầu, công ty này đã nỗ lực tạo ra sự khác biệt bằng cách tự thiết kế scooter điện của họ.

Lime cho biết sẽ kiếm thêm nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo trên scooter điện nhưng ý tưởng này chưa được kiểm nghiệm.

Trong khi đó, hãng gọi xe Uber đã thông báo kế hoạch tích hợp dịch vụ dùng chung xe đạp và scooter điện vào ứng dụng gọi xe. Thậm chí, Uber bắt đầu tự thiết kế mẫu scooter điện riêng.

Các thành phố siết chặt quản lý

Một chiếc scooter điện bị vứt bỏ chỏng chơ trên vỉa hè ở TP. San Francisco, bang California. Ảnh: KQED

Đối với những người dân không có nhu cầu sử dụng scooter điện, họ xem chúng như mối phiền toái vì chúng xâm chiếm vỉa hè và các đường phố.

Nhiều công ty triển khai hàng trăm scooter điện ở các thành phố mà không xin phép.

Hồi đầu tháng 6, thành phố San Francisco yêu cầu Bird, Lime và Spin dừng dịch vụ của họ để xin giấy phép kinh doanh.

Đến cuối tháng 8, chính quyền San Francisco thông báo chỉ cho phép hai công ty Scoot và Skip triển khai dự án thử nghiệm 625 scooter điện cho mỗi công ty ở thành phố này trong vòng một năm.

Một số thành phố khác cũng đang tìm cách quản lý scooter điện vì chúng bị vứt bỏ tùy tiện trên các vỉa hè.

Tại thành phố Santa Monica, người đi bộ thường vấp phải những chiếc scooter điện nằm ngổn ngang ở các vỉa hè. Ngoài ra, không ít người bị té ngã, gãy xương, gãy răng khi sử dụng chúng để len lỏi qua đám đông, phớt lờ các quy định giao thông.

Chính quyền thành phố Denver, bang Colorado mới đây đưa ra quy định chỉ cho phép người dùng scooter điện đi lại trên các vỉa hè và sau khi dùng xong phải để lại chúng ở các trạm chờ xe buýt.

Chính quyền thành phố Seattle, bang Washington tạm thời cấm scooter điện cho đến khi soạn thảo xong các quy định để quản lý chúng. Một số thành phố bắt đầu đặt ra số lượng scooter điện tối đa được phép triển khai.

Vẫn còn quá sớm để dự báo scooter điện sẽ trở thành loại phương tiện di chuyển trong tương lai ở các trung tâm thành phố.

Không giống như ở châu Âu, tại Mỹ, nơi văn hóa đi lại bằng ô tô đã ăn sâu, khoan nói đến scooter điện, việc đi lại bằng xe đạp quanh thành phố cũng không phải là sự lựa chọn yêu thích của những người trưởng thành.

Song các chuyên gia giao thông cho rằng, các chính quyền thành phố có thể thay đổi thái độ này nếu họ thiết kế các làn đường riêng cho scooter điện và lắp đặt các trạm sạc ở các địa điểm thuận tiện cũng như xây dựng các bãi đỗ scooter điện.

Hồi đầu tháng 8, công ty dùng chung scooter điện Bird tuyên bố mỗi ngày sẽ trích 1 đô la Mỹ từ phí cho thuê mỗi scooter điện để hỗ các chính quyền thành phố ở Mỹ xây dựng các làn đường dành riêng cho xe đạp và scooter điện hoặc bảo dưỡng những làn đường đã có sẵn dành cho chúng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới