Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kịch bản nào cho Ukraine?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kịch bản nào cho Ukraine?

Hiếu Chân

Kịch bản nào cho Ukraine?
Binh lính Ukraine tiến vào miền đông nước này hôm qua 15-4 sau khi Kiev đáp trả cứng rắn yêu sách của người biểu tình thân Nga. Ảnh NBCnews.com

(TBKTSG Online) – Khủng hoảng Ukraine bước vào giai đoạn mới và nguy hiểm. Nhiều dự báo được giới chuyên gia tung ra nhưng chưa ai dám khẳng định kịch bản nào là chắc chắn.

Việc những người thân Nga biểu tình, chiếm đóng trụ sở cảnh sát và cơ quan công quyền ở miền Đông từ tuần trước cũng như “tối hậu thư” do chính quyền Ukraine đưa ra bị phớt lờ đang dấy lên lo ngại rằng chính phủ Kiev sẽ đáp trả cứng rắn. Điều này có tạo cớ cho chính quyền Putin có được lý do chính đáng đưa lực lượng quân đội từ biên giới Ukraine tiến sâu hơn về phía Tây? Chưa ai dám đoan chắc, bởi vì theo các phóng viên quốc tế, đây có thể chỉ là màn kịch được dựng lên nhằm đe dọa chính quyền Kiev và cũng có thể là để gây sức ép lên cuộc đàm phán bốn bên – Nga, Ukraine, Hoa Kỳ và châu Âu – vốn được lên kế hoạch một cách hời hợt cuối tuần qua sẽ bắt đầu trong những ngày tới tại Thụy Sỹ. Dù với mục đích gì, căng thẳng ngày càng leo thang đang đẩy các giải pháp ngoại giao trở nên xa vời.

Liên bang hóa

Ông Roger Mcdermott, nghiên cứu viên cao cấp ngành Á-Âu học từ Quỹ Jamestown đánh giá rằng sự đồng bộ về vũ khí và trang phục cho thấy những chiến binh chiếm đóng các sở cảnh sát là những “quân nhân được tổ chức tốt, mang đặc điểm của lực lượng đặc nhiệm Nga, hay nói chính xác hơn là lực lượng tình báo quân sự, còn gọi là Spetsnaz”.

Ông McDermott cảnh báo, đây chỉ là một phần của chiến dịch mà Nga từng thực hiện ở Crimea. “Ở Crimea,” ông nhấn mạnh, “lực lượng của Nga đã tăng cường chiến dịch chiếm giữ các địa điểm trọng yếu mà không gặp phải phản kháng và khai thác được điểm yếu của Kiev”. Những thông tin từ NATO và phương Tây khẳng định rằng Nga bắt đầu có những hoạt động quân sự ngầm ở phía đông Ukraine là để gây sức ép lên cả Kiev lẫn Brussels.

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xung đột Toàn cầu (CSRC) Keir Giles, chuyên gia hàng đầu về các vấn đề quân sự của Nga, ông lo lắng nhưng không ngạc nhiên về các căng thẳng ngày càng leo thang. Khi được hỏi liệu ông có tin đây là màn dạo đầu cho việc Nga can thiệp quân sự, ông không hoàn toàn loại trừ khả năng này. “Điều ấy không chỉ phù hợp với kịch bản lâu dài là bảo đảm quyền và cuộc sống của công dân Nga ở nước ngoài, mà còn nhằm phục vụ triết lý bắt buộc về đảm bảo an ninh và ổn định ở các vùng xung quanh biên giới Nga”, ông Giles nói. Cả hai nhà phân tích trên đều cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã bước sang giai đoạn trọng yếu. Vẫn theo ông McDermott, chắc chắn là Moscow đang đặt cược khá lớn vào ván bài giữ Ukraine trong vòng ảnh hưởng.

“Rủi ro là quân đội và lực lượng của Ukraine lần này lại chống đối mạnh mẽ hơn so với dự tính ban đầu của Moscow; mọi chuyện đang trở nên rắc rối, kéo dài và lộn xộn”, ông trả lời. Tuy nhiên, “nếu quân đội của Kiev thất bại hoặc phản ứng không đủ nhanh, Moscow cũng sẽ có một món hàng mặc cả lớn đặt trên bàn đàm phán và đảm bảo mục tiêu đặt ra trong cuộc khủng hoảng: hoặc phương Tây công nhận một Ukraine bị chia rẽ, hoặc quảng bá ý tưởng về việc nhượng bộ gồm có lập hiến pháp mới và sẽ xuất hiện một chính thể liên bang dễ bị điện Kremlin kiểm soát hơn trong tương lai”. Theo quan điểm của ông McDermott, những yêu sách chính của Moscow là rõ ràng: Nga muốn liên bang hóa Ukraine và được đảm bảo về pháp lý rằng quốc gia này sẽ không bao giờ gia nhập NATO.

Không để mất Ukraine

“Liên bang hóa Ukraine” thực chất là “cắt nhỏ” Ukraine để Nga dễ bề thao túng. Chống lại chế độ liên bang nhưng Kiev có thể sẽ trao quyền tự trị cho các khu vực trong nước. Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov vừa yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về việc trao quyền tự trị lớn hơn cho các khu vực và đề xuất sẽ tiến hành vào đúng vào ngày bầu cử tổng thống sắp tới (25-5). Thời báo Phố Wall (WSJ) dẫn lời phát biểu của ông Turchynov tại một cuộc họp với những người đứng đầu Quốc hội Ukraine cho biết: "Tôi chắc chắn rằng một phần lớn người dân Ukraine tại cuộc trưng cầu dân ý, nếu được Quốc hội thông qua, sẽ có thể được tổ chức cùng với cuộc bầu cử tổng thống, sẽ ủng hộ một Ukraine không thể tách rời, độc lập, dân chủ và thống nhất”.

Trong khi đó, kịch bản tối ưu đối với Nga là vẫn đeo bám các các mục tiêu của mình mà không phải sử dụng đến các chiến dịch quân sự. Ông Andrei Illarionov, một thời là cố vấn cho Tổng thống Putin nhưng đến nay đã trở thành người chỉ trích ông, cho rằng Tổng thống Putin có thể đang nghĩ cách “giành lại” Ukraine mà không phải mở màn một cuộc chiến tranh. “Mục tiêu của Putin vẫn là giành lại quyền kiểm soát đối với Ukraine nhưng tôi cho rằng lúc này ông ấy đang tính toán có thể làm được điều đó mà không cần điều động tới xe tăng”, ông Illarionov bình luận trên tờ Daily Beast. Tổng thống Putin vẫn muốn được ghi vào lịch sử là nhà lãnh đạo Nga giành lại Crimea, nhưng lại phải tìm cách tránh bị nhớ đến như là người để Ukraine thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Moscow.

Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến quan hệ Nga – Mỹ ngày càng căng thẳng theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Trong cuộc điện đàm ngày 14-4, Tổng thống Obama và Tổng thống Putin đã tranh luận gay gắt về vấn đề các lực lượng thân Nga ở Ukraine. Tại Biển Đen, một máy bay chiến đấu của Nga đã “đeo bám” một tàu khu trục Mỹ và cuối tuần qua giám đốc CIA bất ngờ tới thủ đô Kiev. Chính quyền Obama đã tham vấn các đồng minh châu Âu và bóng gió sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt “mạnh tay” hơn đối với Nga và cảnh báo Moscow sẽ ngày càng bị cô lập. Trao đổi điện đàm này cùng với cuộc tranh cãi kịch liệt cuối tuần qua về vấn đề Ukraine tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc càng cho thấy cuộc đàm phán “bộ tứ” đầu tiên kể từ khi khủng hoảng nổ ra vào 17-4 tới đây chắc chắn khó thành tựu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới