Thứ Ba, 30/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vấn đề GDP có phải chỉ lỗi ở các tỉnh?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vấn đề GDP có phải chỉ lỗi ở các tỉnh?

Vô Thường

Vấn đề GDP có phải chỉ lỗi ở các tỉnh?
Số liệu thống kê cần được sử dụng không chỉ để làm đẹp các báo cáo mà còn có ích trong việc phân tích, dự báo và đưa ra những chính sách mang lại lợi ích cho đất nước. Ảnh: THANH TAO

(TBKTSG) – Vấn đề tính toán chỉ số GDP sao cho chính xác được nêu lên khá nhiều trên các phương tiện truyền thông nhân hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ở Đà Nẵng. Mọi tội lỗi dường như được quy cho địa phương và dường như Tổng cục Thống kê (TCTK) vô can trong chuyện đưa ra các con số tăng trưởng ảo?

Được biết TCTK được tổ chức theo ngành dọc, tức là trong TCTK bao gồm các vụ, viện, trung tâm ở trung ương và các cục thống kê tỉnh (63 cục thống kê tương ứng với 63 tỉnh), bao trùm lên tất cả là TCTK.

Kể từ khi hệ thống các tài khoản quốc gia – SNA (chỉ tiêu GDP là một trong những chỉ tiêu thuộc hệ thống này) được áp dụng tại Việt Nam chính thức từ năm 1993 đến nay TCTK đã có hàng trăm cuộc tập huấn về nghiệp vụ này cho các tỉnh. Cuốn sách hướng dẫn nghiệp vụ được Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia của TCTK biên soạn về nguyên tắc được cả TCTK và các cục thống kê địa phương áp dụng.

Trong đó nguyên tắc thường trú là một nguyên tắc cơ bản mà bất cứ người làm thống kê tài khoản quốc gia nào từ trung ương đến địa phương đều biết rõ, không phải như ông Tổng cục trưởng TCTK nói “tới đây việc biên soạn GDP và GRDP phải thực hiện theo nguyên tắc thường trú…”. Nguyên tắc này là nguyên tắc cơ bản của GDP hoặc GRDP. Đã có một số cuộc điều tra để phân biệt một đơn vị thường trú và không thường trú để loại bỏ sự trùng lặp từ nhiều năm trước. Việc đổ lỗi cho cấp dưới kiểu này giống với huấn luyện viên đổ lỗi cho cầu thủ khi đội bóng thua. Điều này không tạo nên hình ảnh đẹp cho ngành thống kê.

Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2014 được thực hiện bởi nhóm tư vấn vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng vấn đề GRDP và cả GDP của địa phương có tăng trưởng cao hơn cả nước chính là ở chỗ áp chỉ số giá để tính chuyển GDP theo giá so sánh tùy tiện không theo chuẩn quốc tế ở cả trung ương và địa phương. Báo cáo cho rằng “Cách làm này dẫn tới GDP theo giá so sánh có thể bị bóp méo để ép tốc độ tăng trưởng và từ đó dẫn đến chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) rất khó lý giải trong một số trường hợp. Đối với các tỉnh/thành phố chỉ số này thường rất thấp để GDP tăng cao”.

Nguyên tắc thường trú là một nguyên tắc cơ bản mà bất cứ người làm thống kê tài khoản quốc gia nào từ trung ương đến địa phương đều biết rõ, không phải như ông Tổng cục trưởng TCTK nói “tới đây việc biên soạn GDP và GRDP phải thực hiện theo nguyên tắc thường trú…”.

Hơn nữa hàng năm các cục thống kê tỉnh thành phố gửi báo cáo theo mẫu định sẵn của TCTK cho TCTK để TCTK chấm điểm thi đua. Như vậy có thể thấy không thể đổ mọi lỗi cho thống kê các địa phương mà phải thấy trách nhiệm ở đây là của TCTK!

Một vấn đề nữa đặt ra cho người dùng tin là đối với số liệu GRDP của các tỉnh/thành phố cơ quan theo dõi giám sát là TCTK vậy số liệu được TCTK sản xuất ra thì cơ quan nào theo dõi giám sát? Theo dõi giám sát ở đây không chỉ ở nhìn con số tăng trưởng đã hợp ý chưa mà phải theo dõi về phương pháp tính và nguồn số liệu đầu vào.

Ngoài ra, trong niên giám thống kê của TCTK công bố hàng năm một số định nghĩa về các chỉ tiêu không thống nhất với nội dung số liệu, ví dụ phần giải thích về thống kê tài khoản quốc gia viết: “Tổng sản phẩm trong nước: Là giá trị mới của hàng hóa và dịch vụ được tạo ra của toàn bộ nền kinh tế trong khoảng thời gian nhất định”. Định nghĩa này là định nghĩa về thu nhập quốc dân trước đây trong hệ thống MPS (chỉ thêm hai từ dịch vụ) không phải ý niệm về GDP do Keynes đưa ra vào những năm 30 của thế kỷ trước.

Sau đó cuốn niên giám thống kê giải thích tiếp về phương pháp sản xuất: “Tổng sản phẩm trong nước bằng tổng giá trị tăng thêm của tất cả các ngành cộng với thuế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ”. Đọc đến đây người dùng tin sẽ rất ngạc nhiên: làm gì có thuế nhập khẩu dịch vụ? Ngạc nhiên nữa khi nhìn vào nội dung số liệu lại thấy tổng giá trị tăng thêm bằng luôn GDP. Điều này khiến những người dùng tin hết sức bối rối vì không biết thuế nhập khẩu nằm ở đâu như trong giải thích?

Hiện nay việc áp dụng Luật Thống kê dường như là một chiều, các cơ quan, các đơn vị sản xuất phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan thống kê và chỉ cơ quan thống kê được quyền “tính toán” và công bố các số liệu tổng hợp về kinh tế – xã hội. Vậy, ai, cơ quan nào giám sát những những số liệu này? Đã có không ít trường hợp biết là không chính xác nhưng vẫn phải dùng vì nó có tính pháp lý. Luật Thống kê cần hướng tới tính minh bạch, trung thực và khoa học của số liệu thống kê. Số liệu thống kê cần được sử dụng không chỉ để làm đẹp các báo cáo mà còn có ích trong việc phân tích, dự báo và đưa ra những chính sách mang lại lợi ích cho đất nước.

Theo người viết, phê phán mang tính tích cực là phải chỉ ra những thiếu sót để ngành thống kê thấy đúng và sửa chữa.

Đọc thêm

Không kể GDP, chúng ta được gì sau năm năm nữa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới