Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 40-2014: Xuất siêu: thành tích hay nỗi lo?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 40-2014: Xuất siêu: thành tích hay nỗi lo?

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – Từ năm 2012, Việt Nam lần đầu tiên xuất siêu và trạng thái này được duy trì cho đến nay. Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận đó là điểm sáng của nền kinh tế thì các chuyên gia lại tỏ ra lo lắng về những góc tối đằng sau.

Vì sao như vậy? Mời đọc TBKTSG số phát hành sáng ngày mai, 2-10, để tìm câu trả lời trong chuyên đề “Xuất siêu: thành tích hay nỗi lo?” (mục Sự kiện & vấn đề).

Trong bài Mổ xe một góc “thành tích” xuất siêu, từ phân tích các số liệu, tác giả Nguyễn Trí Dũng cho thấy nền kinh tế trải qua giai đoạn nhập siêu và nay là xuất siêu, ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu, và phần lớn nhập khẩu cũng chỉ để phục vụ cho xuất khẩu. Cuối cùng, nền sản xuất trở thành gia công toàn diện.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng cho rằng xuất siêu trong mấy năm gần đây là của khu vực kinh tế FDI, còn khu vực trong nước thì vẫn nhập siêu. Nguồn cơn là do thể chế ảnh hưởng khác nhau lên các khu vực kinh tế.

Trong khi đó, câu chuyện giảm nhập siêu và phụ thuộc Trung Quốc đã được nói tới nhiều trong thời gian gần đây. Nhưng thực tế ba tháng qua cho thấy chẳng những tình hình không được cải thiện mà còn trầm trọng hơn. Bài Nhập siêu với Trung Quốc vẫn tăng mạnh của Nguyễn Đình Bích.

Ở bài Nội soi nhập siêu từ Trung Quốc, PGS.TS. Bùi Tất Thắng cho rằng nhập siêu ngày càng tăng từ Trung Quốc có 3 loại nguyên nhân cơ bản (trong nhiều nguyên nhân), đó là: cơ cấu hàng hóa gắn với trình độ công nghệ, ưu thế về giá và Trung Quốc là nhà thầu lớn của Việt Nam.

Số báo còn có các bài viết hấp dẫn khác về nhiều vấn đề kinh tế xã hội:

Tiền đồng lên giá – Hải Lý: Trong vòng chưa đầy ba tháng, đặc biệt trong tháng 9-2014, tiền đồng lên giá chưa từng thấy so với tất cả các ngoại tệ mạnh trừ đô la Mỹ. Khách du lịch, người du học, chữa bệnh ở nước ngoài, các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp vay ngoại tệ… đang được hưởng lợi. Nhưng liệu khi đô la Mỹ lên giá trên thị trường toàn cầu, nó có thể đứng yên so với tiền đồng? Câu trả lời nằm ở chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Đau đầu vì ngân sách thiếu tiền – Tư Giang: Nếu ngân sách chỉ chú trọng chi cho ăn thay vì cho đầu tư thì sẽ có lỗi lớn với không chỉ thế hệ này.

Đừng cổ phần hóa kiểu “ba nạc bảy mỡ” – Đỗ Thiên Anh Tuấn: Giới hạn sàn sở hữu nhà nước là nguyên chính kìm hãm khả năng và động lực đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.

Nội soi hệ thống ngân hàng (kỳ 2): Ai phục hồi ai tiếp tục bệnh? – Lê Chí Phúc: Nói về triển vọng phục hồi của ngành ngân hàng, có lẽ yếu tố then chốt nhất bên cạnh tốc độ xử lý nợ xấu là sự phục hồi của nguồn thu từ tín dụng. Trong khuôn khổ bài này còn có góc hồ sơ về sức khỏe của một số ngân hàng niêm yết.

SCIC sẽ là “bà đỡ” trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước – Tịnh Tâm: Trong lúc nhọc nhằn thoái vốn khỏi hàng loạt doanh nghiệp đang quản lý, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước lại được giao thêm nhiệm vụ mua lại cổ phần “ế” của doanh nghiệp nhà nước. Một cơ hội cho “siêu” công ty này phát huy vai trò.

Mảnh ghép cuối cùng – Thành Nam: Sau giai đoạn rớt sâu và chìm nghỉm, một số cổ phiếu ngành vận tải biển bắt đầu phát tín hiệu sống sót.

Câu hỏi còn treo ở Diễn đàn Kinh tế mùa thu – Tư Giang: Trong khi Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua đáy khó khăn thì nhiều nhà kinh tế lại cho rằng chưa có cơ sở thuyết phục cho nhận định đó.

Luật tố tụng hình sự chuyên chở quyền con người – Đinh Thế Hưng: Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam đang được chuẩn bị sửa đổi. Đây là cơ hội để chuyển tải các giá trị nhân văn, tiến bộ vào hệ thống pháp luật Việt Nam. Quyền im lặng của người bị buộc tội là một trong những giá trị đó.

“Ma trận” phân phối dược phẩm – Hoàng Nhung: Công ty Dược phẩm VN Pharma vừa bị cơ quan chức năng điều tra do bị nghi ngờ đã làm giả giấy tờ, hồ sơ nhập lậu tân dược. Sự việc này hé lộ những bất thường trong việc cho nhập và đấu thầu thuốc. Hệ thống đầu tư, phân phối dược phẩm Việt Nam là con đường ngoằn nghèo, chằng chịt.

Kinh doanh bệnh viện không dễ! – Hoàng Nhung: Nên chăng đầu tư bệnh viện vào lúc này, khi mà đã có nhiều bệnh viện đang phải đối mặt với việc phá sản hoặc phải bán đổ bán tháo?

Người Hàn rót tiền vào nông nghiệp – Ngọc Hùng: Số người Việt yêu thích thực phẩm Hàn Quốc ngày càng nhiều là cơ hội để người Hàn gia tăng đầu tư vào lĩnh vực nông sản và thực phẩm chế biến kiểu Hàn tại Việt Nam.

CEO gọi, Chính phủ có trả lời? – Hồng Phúc: Diễn đàn CEO 2014 không được đặt ra như điểm đến trao đổi mà nhằm thể hiện sự chủ động của giới CEO khi họ mạnh dạn “tiếp thị” với Chính phủ những giải pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể cất cánh khi con sóng hội nhập đã đến.

Lối thoát nào khi JFE ra đi? – Quốc Hùng: Sự xuất hiện của tập đoàn JFE (Nhật Bản) được kỳ vọng sẽ giải cứu dự án nhà máy thép ở Dung Quất khỏi sự trì trệ nhiều năm qua. Thế nhưng mới đây, JFE cũng đã tuyên bố dừng xem xét đầu tư vào dự án có vốn đăng ký hàng tỉ đô la Mỹ này.

Phước cùng hưởng, họa cùng chia – Nguyễn Quang Bình: Thế giới loạn lạc, kinh tế khủng hoảng. Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước mới nổi đua nhau kích cầu, lãi suất hạ đến mức không thể hạ thêm nữa. Các nước có nền kinh tế sống nhờ vào xuất khẩu nguyên liệu thì… lãnh đủ!

Khi các nhà xuất bản thờ ơ với hội sách – Lại Nguyên Ân: Hệ thống xuất bản cách nay hai mươi năm đã đánh mất tiềm năng lớn của mình và nhường sự lên ngôi cho các “bên liên kết” tư nhân.

Không chấm điểm bậc tiểu học: có gì vướng mắc? – Quốc Ân: Việc đánh giá học sinh tiểu học không dựa trên điểm số sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15-10-2014. Tuy nhiên, các tiêu chí đánh giá theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục Đào tạo vẫn còn nhiều vần đề gây băn khoăn.

Bác sĩ tâm lý, không phải chuyện xa xỉ – Nguyễn Quang Thân: Có một loại bệnh bị dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra, đó là những chứng bệnh về tinh thần, bệnh tâm thần. Người Việt khi bị bệnh thì vái tứ phương, vái cả thầy mo, thầy cúng, lang băm, trừ bác sĩ tâm lý.

Đừng tìm bài học luân lý ở các sử gia – Thục Đoan phỏng vấn nhà dịch sách sử học Nguyễn Nghị: Có những cuốn sách mang nhãn sử học nhưng chỉ làm cái việc đưa người này lên mây xanh hay vùi người nọ xuống bùn đen. Thật ra, những bài học đạo đức hay luân lý không phải là chức năng của sử học.

Thắng cảnh đang chết ngộp – Trần Minh: Đi du lịch nếu không phải chỉ để chiêm ngưỡng cảnh đẹp hay vui chơi mà còn để cảm nhận thế giới thì mới thấy thế giới mà chúng ta sống đang trở nên ngột ngạt như thế nào.

Bản sắc Hồng Kông và gốc rễ kinh tế của cuộc biểu tình – Ngọc Ý: Sự kiện biểu tình lớn ở Hồng Kông trong những ngày qua được báo giới Hồng Kông bình luận không đơn giản là sự phản ứng với quy định bầu cử mà nó bắt nguồn từ sự bức xúc và thiếu niềm tin của người Hồng Kông vào chính quyền Trung Quốc những năm gần đây.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới