Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nhân ước gì cho ngày sinh nhật?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nhân ước gì cho ngày sinh nhật?

Tư Hoàng

Doanh nhân ước gì cho ngày sinh nhật?
Các doanh nhân luôn mong muốn môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch. Ảnh TG

(TBKTSG Online) – Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay lại đến trong "Khí thế, tinh thần của đội ngũ doanh nhân đang ngày càng đang đi xuống" theo nhận xét của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Làm thế nào để xốc lại tinh thần kinh doanh?

Một ngày cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn và hơn 20 doanh nhân phía Bắc đã đi từ Hà Nội xuống Quảng Ninh để ra mắt Hội đồng doanh nhân và gia đình Việt Nam.

Tại buổi lễ, ông Đoàn ôn lại những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân cho đất nước kể từ sau Đổi mới năm 1986. Ông Đoàn cũng kêu gọi các gia đình doanh nhân uy tín nhất trong cộng đồng doanh nhân liên kết lại để phát huy truyền thống kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam.

Sự kiện trên, dù vậy, chỉ là một trong số ít ỏi các hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam gần đây. Những khó khăn kinh tế triền miên những năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ tới khu vực từng trỗi dậy mạnh mẽ trong những năm 2000. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay đã có hơn 48.000 doanh nghiệp buộc phải giải thể hay ngừng hoạt động do khó khăn. Như vậy, đã có tới gần 200.000 doanh nghiệp phải đóng cửa vì cùng lý do chỉ trong 4 năm qua, một con số ấn tượng so với gần 485.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

Đó là một dấu lặng buồn nhân kỷ niệm 10 năm ngày doanh nhân Việt Nam 13-10 sắp tới. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nói: “Khí thế, tinh thần của đội ngũ doanh nhân đang ngày càng đang đi xuống, nhưng đây là thời điểm cần xốc lại tinh thần của họ”.

Đó cũng chính là nỗi lo lắng của không ít lãnh đạo cao cấp. Ông Lộc kể, trong các cuộc trao đổi của ông gần đây với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thì hai vị lãnh đạo này đều nhiệt tâm bày tỏ muốn có bộ Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thật thông thoáng nhằm tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất.

Suốt từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm khơi dậy tinh thần này như Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chỉ thị 11 về giải quyết các khó khăn vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung cơ bản của cách tiếp cận mới là lấy tiêu chuẩn của ASEAN 6 và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo, gắn với lộ trình, thời gian thực hiện rõ ràng, có trách nhiệm cá nhân và chế tài cụ thể… Tinh thần này được Thủ tướng nhắc lại hôm làm việc với Bộ Công thương tuần trước: “Thủ tục gì không cần thiết, gây khó khăn, cản trở, phiền hà cho người dân, cho doanh nghiệp phải rà soát để sửa đổi và loại bỏ”.

Nhưng đó là điều khó. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung kể, đã có nhiều ý kiến ủng hộ quy định bỏ con dấu trong các văn bản giao dịch của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp. Thủ tướng cũng rất ủng hộ điều này. Ông Cung kể, trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây, Thủ tướng nói, nhiều thư mời cấp nguyên thủ mà ông nhận được không hề có con dấu, hay dấu có quốc huy, mà chỉ có chữ ký.

Bên cạnh đó, chữ ký của doanh nghiệp đều được coi là có giá trị pháp lý ở nhiều nơi trên thế giới. Ông Cung cũng kể, Thủ tướng nói thế với hàm ý ủng hộ việc bỏ con dấu nhằm ủng hộ doanh nghiệp. Dù vậy, đây là điều khó khăn. Bản dự thảo mới nhất của Luật Doanh nghiệp sửa đổi không bổ sung ý này. Đã có quá nhiều ý kiến không thuận. Ngay cả Thường vụ Quốc hội cũng chưa thông điểm này.

Trong khi đó, khi thẩm tra Luật Đầu tư sửa đỏi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát hiện hiện có 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật và 322 ngành, nghề nhà nước độc quyền, doanh nghiệp muốn đầu tư hoặc phải có giấy phép kinh doanh, được chấp thuận hoặc được xác nhận trước khi tiến hành hoạt động.

Những con số đó ngay lập tức bị lỗi thời khi Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức buổi tọa đàm “Kết quả sơ bộ rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện”. Tại cuộc gặp này, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn quản lý kinh tế Economica Việt Nam cho biết, tổ liên ngành về rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện đã liệt kê được 398 “giấy phép cha”, 2.129 "giấy phép con" và 1.745 "giấy phép cháu".

Trong đó, có 110 ngành nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh với 171 loại giấy phép kinh doanh; đồng thời còn có 83 ngành nghề yêu cầu có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với 62 loại giấy chứng nhận. Ngoài ra còn có tới 44 ngành nghề yêu cầu chứng chỉ hành nghề với 53 loại chứng chỉ và 345 ngành nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ông Lộc vẫn nuôi niềm hi vọng. VCCI đang đề nghị được phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống luật pháp liên quan đến kinh doanh để có thể trình ra Quốc hội và Chính phủ: một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định theo các quy trình rút gọn để tăng tốc quá trình cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta mà không phải chờ đợi chu kỳ sửa đổi luật, nghị định.

Ông Lộc cũng đề nghị xem xét sửa đổi sớm quy định khống chế 200-300 giờ làm thêm trong Bộ Luật Lao động, đề nghị rà xét giảm điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh trong các luật chuyên ngành theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới. “Chúng tôi vẫn phải giữ vững niềm tin, nhất là cho ngày sinh nhật 10 tuổi của cộng đồng doanh nhân Việt Nam”, ông Lộc nói

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới