Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai soạn nghị quyết cho Quốc hội?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ai soạn nghị quyết cho Quốc hội?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20-10. Một trong những nội dung của kỳ họp này là thông qua nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Nhìn vào nội dung này, người theo logic thông thường sẽ suy nghĩ, có lẽ người dân bức xúc với tình hình có quá nhiều bất cập của nền giáo dục bèn phản ánh lên đại biểu Quốc hội; nhiều đại biểu Quốc hội nhận được các ý kiến tương tự của cử tri bèn họp và sau nhiều lần thảo luận, tìm hiểu và cân nhắc mới quyết định phải ra một nghị quyết yêu cầu ngành giáo dục phải nhanh chóng cải cách chương trình, sách giáo khoa theo hướng như thế này…

Thực tế không phải như vậy. Tờ trình của Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa là do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) biên soạn; nội dung chính là bản thân đề án dài 83 trang A4 cũng do bộ này chấp bút. Thậm chí, các đại biểu Quốc hội chưa họp, chưa bàn, chưa có ý kiến, Bộ GD-ĐT cũng đã nhanh tay soạn sẵn dự thảo nghị quyết cho Quốc hội.

Cách làm này thật ra đã thành thông lệ trong hoạt động của Quốc hội nước ta nên ít ai thấy sự phi lý, thiếu logic của quy trình Quốc hội ban hành một nghị quyết trong trường hợp cụ thể này. Thử hỏi cái thực trạng yếu kém của chương trình và sách giáo khoa hiện hành như được phân tích trong đề án và tờ trình rõ ràng có một phần trách nhiệm rất lớn của ngành giáo dục, làm sao nay lại giao cho chính nơi đó, tự mình vạch ra các yếu kém, tự mình định hướng đi của các nỗ lực cải cách và hy vọng sẽ thành công cho được?

Hiện nay gần như tất cả luật của Quốc hội ban hành đều giao cho Chính phủ chuẩn bị, kể cả khâu biên soạn, lấy ý kiến, thẩm định tác động… Nhưng dù sao việc soạn luật cần bộ máy chuyên môn mà các đại biểu kiêm nhiệm chưa thể đáp ứng. Còn đối với một nghị quyết về cải cách giáo dục, một vấn đề thiết thân với tất cả cử tri cả nước, hoàn toàn nằm trong khả năng biên soạn của đại biểu Quốc hội hiện nay.

Quốc hội hoàn toàn có thể tổ chức các phiên điều trần, yêu cầu Bộ GD-ĐT báo cáo rõ về chương trình, sách giáo khoa hiện hành, lắng nghe các giới khác nhau trong ngành giáo dục bày tỏ ý kiến, tổ chức các cuộc hội thảo để các chuyên gia giáo dục khắp cả nước nêu lên chính kiến. Quốc hội cũng có thể đặt hàng cho các viện, trường hay tổ chức nghiên cứu về xu hướng giáo dục hiện đại trên thế giới, lắng nghe ý kiến cử tri muốn con em mình được giáo dục theo hướng nào… Nói tóm lại, Quốc hội hoàn toàn có khả năng nắm rõ sự bất cập của chương trình và sách giáo khoa hiện hành, các yêu cầu cấp thiết cần đổi mới, định hướng đổi mới cũng như đặt ra các yêu cầu để ngành giáo dục nói riêng và Chính phủ nói chung phải thực hiện trong thời gian tới để cải cách nền giáo dục nước nhà.

Bằng không, các phiên họp sắp tới sẽ chỉ dừng lại ở mức góp ý cho câu chữ, thay đổi một số nội dung, chỉnh sửa vài ba con số liên quan đến kinh phí thực hiện. Còn lại, nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chưa chắc đã phản ánh ý chí, nguyện vọng và tầm nhìn của cử tri, của đại biểu Quốc hội mà chỉ mới là mong muốn của Bộ GD-ĐT trong phạm vi tầm nhìn của họ cũng như tập quán, năng lực và suy nghĩ bấy lâu nay của ngành giáo dục mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới