Thứ Tư, 8/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hối lộ hay lợi dụng chức quyền?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hối lộ hay lợi dụng chức quyền?

Quang Chung

Hối lộ hay lợi dụng chức quyền?
Các bị cáo trong vụ án sáu cựu quan chức của RPMU nghe tuyên án – Ảnh: tuoitre.vn

(TBKTSG Online) – Điều kỳ lạ đọng lại sau phiên tòa xét xử 6 cựu quan chức của Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) là tòa xác định hành vi một đàng (hối lộ) nhưng buộc tội thì một nẻo (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ).

Kết tội khác hành vi phạm tội

Sau hai ngày xét xử, hôm nay 27-10-2015, Tòa án Thành phố Hà Nội đã kết án sơ thẩm sáu bị cáo nguyên là lãnh đạo của RPMU có hành vi nhận hối lộ của nhà thầu Nhật Bản trong dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (Hà Nội) do RPMU làm chủ đầu tư.

Bản án tuyên phạt ông Phạm Hải Bằng, nguyên Phó giám đốc RPMU 12 năm tù; ông Nguyễn Nam Thái, nguyên Trưởng phòng thực hiện dự án 3 thuộc RPMU 11 năm tù; ông Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc RPMU 5,5 năm tù; ông Trần Quốc Đông, nguyên Giám đốc RPMU, nguyên Phó tổng giám đốc VNR 7,5 năm tù; ông Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Giám đốc RPMU 7,5 năm tù; và ông Phạm Quang Duy, nguyên Phó giám đốc RPMU 8,5 năm tù.

Hội đồng xét xử xác định hành vi nhận khoản tiền 11 tỉ đồng (ngoài hợp đồng) của các bị cáo từ nhà thầu JTC Nhật Bản là hành vi nhận hối lộ. Thực tế, qua xét xử đã cho thấy, mặc dù dự án thực hiện không đúng tiến độ (theo hợp đồng) nhưng để được [RPMU] giải ngân, nhà thầu JTC đã chi khoản tiền tiền “lót tay” nói trên cho các bị cáo.

Tuy nhiên, điều lạ là trong phiên tòa này, các bị cáo nói trên không bị truy tố về “tội nhận hối lộ” theo điều 279 của Bộ luật hình sự, mà lại bị truy tố và kết tội về “tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281.

Lý giải về vấn đề này, Hội đồng xét xử cho rằng hành vi của các bị cáo là nhận tiền hối lộ của nhà thầu Nhật Bản, nhưng vì vấn đề tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Nhật Bản có khó khăn, nên việc truy tố các bị cáo về tội lợi dụng chức vụ là phù hợp (?!)

Hối lộ hay lợi dụng chức quyền

Điều này khiến gợi nhớ đến vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án đại lộ Đông – Tây, bị kết tội nhận hối lộ của Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) Nhật Bản trong dự án Đại lộ Đông Tây trước đây (2009).

Trong vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ, ông Sĩ cũng đã nhiều lần nhận tiền “lót tay” hơn 5 tỉ đồng của PCI Nhật Bản để giúp họ thắng thầu (một số gói thầu trong dự án Đại lộ Đông Tây) – cũng tương tư như vụ án sáu cựu quan chức của RPMU nhiều lần nhận tiền “lót tay” của nhà thầu JTC Nhật Bản (11 tỉ đồng) để giúp họ nhận tiền giải ngân khi tiến độ không đúng theo hợp đồng.

Cả hai vụ án này đều được báo chí Nhật Bản và chính quyền Nhật Bản phanh khui trước, sau đó các cơ quan chức năng Việt Nam mới vào cuộc và “phát hiện”…

Tuy nhiên, trong vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ, cơ quan tố tụng đã xác định rõ ràng, rằng hành vi nhận tiền của ông Sĩ từ PCI Nhật Bản để giúp họ thắng thầu là hành vi nhận hối lộ, và Tòa án TPHCM cũng như Tòa án tối cao sau đó đều tuyên buộc ông Sĩ tội nhận hối lộ theo điều 279 Bộ luật hình sự. Thực tế, ông Sĩ đã bị kết án tù chung thân sau đó giảm xuống 20 năm.

Vậy, tại sao trong vụ án sáu cựu quan chức của RPMU tòa xác định hành vi của họ là hành vi nhận hối lộ nhưng lại kết tội lạm dụng chức vụ? Theo luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn luật sư TPHCM, có sự khác biệt trong nhận thức của các cơ quan tố tụng trong hai vụ án giống nhau về bản chất này. Vì, thực tế, trong thời điểm xét xử vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ thì vấn đề tương trợ tư pháp giữa Nhật Bản và Việt Nam không hề tốt hơn bây giờ!

Một vấn đề tế nhị trong vấn đề này là khung hình phạt cho tội nhận hối lộ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có khoảng cách lớn…

Nhưng có lẽ vấn đề cần đặt ra thông qua hai vụ án này, đó là, trong các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài, tại sao cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định được người nhận hối lộ, truy tố, kết tội họ nhưng lại không truy tố người đưa hối lộ tội đưa hối lộ như điều 289 Bộ luật hình sự đã quy định?

Luật sư Lê Thành Kính, trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, cho biết ông “cũng thấy lạ” là tại sao đã xác định được người nhận hối lộ, kết tội họ nhưng lại không kết tối người đưa hối lộ như luật định. "Phải chăng trong những vụ án này điều 289 Bộ luật hình sự bị vô hiệu hóa?" ông Kính nói.

Diễn biến vụ án sáu cựu quan chức RPMU:

– Ngày 31-10-2008, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến 01 (giai đoạn 1). Dự án này được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giao cho chủ đầu tư Ban quản lý dự án đường sắt Việt Nam (RPMU).

– Ngày 9-9-2009, VNR ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật do nhà thầu Nhật Bản JTC đứng đầu.

– Gần cuối tháng 3-2013, một loạt tờ báo Nhật Bản đưa tin ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch công ty tư vấn đường sắt JTC, đưa hối lộ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, nhằm đổi lấy trúng thầu dự án ODA.

– Ngày 26-3-2014, Đoàn thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã thanh tra một loạt các dự án JTC tham gia, trong đó có dự án đường sắt đô thị do RPMU làm chủ đầu tư.

– Ngày 9-5-2014, sáu quan chức đường sắt gồm Phạm Hải Bằng, Trần Văn Lục, Phạm Quang Duy, Nguyễn Nam Thái, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu bị khởi tố để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ với cáo buộc đã nhận 11 tỉ đồng của JTC.

– Tháng 6-2015, VKSND Tối cao đề nghị truy tố các bị can Bằng, Lục, Đông, Duy, Thái, Hiếu tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Diễn biến vụ án ông Huỳnh Ngọc Sĩ

– Ngày 8-12-2008, vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Ban quản lý dự án đại lộ Đông – Tây được khởi tố – sau khi Viện Công tố địa phương Tokyo (Nhật Bản) truy tố bốn cựu quan chức của PCI về tội đưa hối lộ và vi phạm luật cạnh tranh của Nhật.

– Sau khi khởi tố vụ án, các cơ quan chức năng Việt Nam có công văn đề nghị Bộ Tư pháp Nhật Bản cung cấp những nội dung liên quan về việc nhận hối lộ của ông Huỳnh Ngọc Sĩ.

– Năm 2009, Bộ Tư pháp Nhật Bản chuyển hơn 3.000 trang tài liệu (gồm cả tiếng Anh và Nhật) đến Viện KSND tối cao. Viện KSND tối cao chuyển toàn bộ số tài liệu này đến cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để tiến hành dịch ra tiếng Việt phục vụ công tác điều tra.

– Trên cơ sở tài liệu do phía Nhật Bản chuyển sang và quá trình điều tra, xác minh, cơ quan điều tra xác định ông Huỳnh Ngọc Sĩ có dấu hiệu của tội nhận hối lộ – có căn cứ cho thấy ít nhất một lần ông Sĩ nhận 262.000 đô la Mỹ (khoảng 5,1 tỉ đồng) của PCI…

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới