Thứ Bảy, 11/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thái Lan: Bán hàng qua mạng xã hội đe dọa các “ông lớn” thương mại điện tử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thái Lan: Bán hàng qua mạng xã hội đe dọa các “ông lớn” thương mại điện tử

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Doanh thu bán hàng qua các mạng xã hội ở Thái Lan chiếm đến 44% tổng doanh thu thương mại điện tử ở nước này, khiến hai nền tảng thương mại điện tử lớn là Lazada và Shopee phải cạnh tranh bằng cách bổ sung tính năng phát sóng video trực tiếp (live streaming) để lôi kéo những người bán hàng ở Facebook, Instagram.

Thái Lan: Bán hàng qua mạng xã hội đe dọa các “ông lớn” thương mại điện tử
Anurak Saruethai đang rao bán hàng và xung quanh anh là một nhóm hỗ trợ. Ảnh: Reuters

Là con trai của một ngư dân, Anurak Saruethai chưa bao giờ ra khơi nhưng hải sản đang mang lại một công việc kinh doanh béo bở cho anh. Hàng đêm, anh phát video trực tiếp trên Facebook để bán tôm, mực và cá khô. Nhờ nhanh nhảu pha trò và tương tác với khách hàng, có lúc anh thu hút đến 300.000 người xem.

Anh được một nhóm hậu trường hỗ trợ xử lý các đơn hàng, trả lời các câu hỏi qua ứng dụng Messenger của Facebook, giám sát các khoản thanh toán đến tài khoản ngân hàng cũng như hô hào để tạo hiệu ứng mạnh cho không khí mua bán.

Nhờ công thức bán hàng hiệu quả, Saruethai cho biết anh kiếm được mức doanh thu 26 triệu baht (829.000 đô la Mỹ) chỉ trong tháng 3-2019.

"Facebook và Instagram mang đến cho mọi người cơ hội. Nếu bạn làm đúng với nội dung tốt, chỉ trong vòng bảy tháng, bạn có thể kiếm được hàng triệu baht”, Saruethai nói trong cuộc trò chuyện với phóng viên Reuters ở ngôi làng ven biển Satun thuộc tỉnh Satu, miền Nam Thái Lan.

Thành công của Saruethai là biểu tượng của cơn bùng nổ bán hàng qua mạng xã hội ở Thái Lan nơi các doanh nghiệp bán đủ loại sản phẩm trực tiếp cho khách hàng qua Facebook, Instagram và các ứng dụng nhắn tin khác như Line.

Được thúc đẩy nhờ các ứng dụng thanh toán di động, hoạt động bán hàng qua mạng xã hội ở Thái Lan tăng trưởng gấp đôi lên mứ 334,2 tỉ baht (10,9 tỉ đô la) trong năm 2017, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Phát triển giao dịch điện tử của Thái Lan.

Mức doanh thu này chiếm đến  44% tổng doanh thu thương mại điện tử ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á vào năm 2017, tăng so với con số 21% của năm trước đó. Trong những năm gần đây, các ngân hàng ở Thái Lan cũng giảm phí chuyển tiền và điều này càng thúc đẩy hơn nữa hoạt động bán hàng qua mạng xã hội.

Sự trỗi dậy của thương mại điện tử qua mạng xã hội ở Thái Lan chủ yếu nhờ sự tiếp cận khách hàng tương đối muộn của các công ty thương mại điện tử lớn, các sở thích mua sắm theo truyền thống và việc sử dụng rộng rãi Facebook. Khoảng 38 triệu người, tương đương 57% dân số Thái Lan truy cập Facebook mỗi ngày.

“Bán hàng qua mạng xã hội là một kênh thị trường cần chú ý vì Facebook đã dịch chuyển mạnh hơn theo hướng thương mại với việc ra mắt nhiều tính năng thân thiện với thương mại trong thời gian gần đây”, Alessandro Psicini, người đồng sáng lập Crea, công ty chuyên tư vấn các thương hiệu muốn tăng doanh thu thông qua hoạt động bán hàng trên mạng xã hội ở Thái Lan, nói.

Chỉ bán hải sản khô bằng cách phát sóng video trực tiếp trên Facebook nhưng Saruethai kiếm được mức doanh thu lên đến 26 triệu baht (829.000 đô la) trong tháng 3-2019. Ảnh: Reuters

Facebook cũng vừa thông báo ý định mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực thanh toán và ra mắt đồng tiền kỹ thuật số riêng có tên gọi Libra. Hồi tháng 3-2019, Instagram đã giới thiệu nút thanh toán cho phép người dùng mua sắm mà không cần rời ứng dụng này dù chức năng này hiện tại chỉ mới áp dụng đối với một số ít thương hiệu và khách hàng ở Mỹ.

Ở châu Á, chỉ có Indonesia mới sánh với Thái Lan trong lĩnh vực bán hàng qua mạng xã hội. Doanh thu bán hàng qua mạng xã hội ở Indonesia chiếm 40% doanh thu thương mại điện tử của nước này nhưng có giá trị nhỏ hơn khoảng 3 tỉ đô la so với con số 10,9 tỉ đô la ở Thái Lan, theo hãng tư vấn McKinsey & Company.

Thị trường bán hàng qua mạng xã hội ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vẫn còn kém phát triển vì nhiều người dân Indonesia không có tài khoản ngân hàng và vì những thách thức của việc giao hàng hóa khắp mạng lưới đảo trải rộng của nước này.

Satish Meena, nhà phân tích ở công ty Forrester Research cho biết, theo ước tính sơ bộ, doanh thu bán hàng qua mạng xã hội hàng năm ở Ấn Độ, nước đông dân thứ hai thế giới chỉ ở mức khiêm tốn 100-150 triệu đô la.

Quy trình bán hàng qua mạng xã hội có thể phức tạp. Tại Thái Lan, khách hàng sẽ tìm các sản phẩm mà họ muốn mua trên Facebook và Instagram nhưng các trò chuyện (chat) trực tuyến và quy trình thanh toán thường diễn ra ở các ứng dụng khác. Song đối với nhiều người Thái Lan, sức hấp dẫn của hoạt động mua sắm trên mạng xã hội chính là được trao đổi, ngã giá trực tiếp với người bán hàng.

Chonticha Srisawang, 35 tuổi, người sở hữu một thương hiệu lông mi giả, đang có hơn 76.000 người theo dõi trên tài khoản Instagram của cô. Srisawang cho biết khách hàng sẽ yên tâm đặt mua sau khi cô bỏ thời gian ra để giải đáp các thắc mắc của họ trên ứng dụng chat Line.

Vilaiporn Taweelappontong, đối tác của công ty kiểm soát PwC Thái Lan, cho biết rằng khách mua sắm Thái Lan, vốn thích lướt web và chia sẻ, thích mua sắm qua mạng xã hội hơn là qua các cửa hàng trực tuyến lớn.

Một cuộc khảo sát của PWC Thái Lan cho biết tỷ lệ người mua sắm trực tuyến thông qua mạng xã hội ở Thái Lan là 51%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 16% trên toàn cầu.

Lo ngại bị lấn át thị phần, Lazada và Shopee, hai nền tảng thương mại trực tuyến lớn nhất Thái Lan, giờ đây tìm cách thu hút những người bán hàng trên mạng xã hội mà chuyên gia ước tính có số lượng đông đảo hơn 100 ngàn người. Cả hai nền tảng này đã bổ sung tính năng phát video trực tiếp vào năm ngoái.

Hồi tháng 8-2018, chi nhánh Lazada ở Thái Lan đã tiến hành một chương trình mời những người bán hàng qua mạng xã hội có số khách hàng lớn gia nhập nền tảng Lazada.

Hồi tháng 3-2019, tập đoàn Sea (Singapore), công ty sở hữu nền tảng thương mại điện tử Shopee, đã huy động 1,5 tỉ đô la và cho biết sẽ sử dụng một phần tiền này để huấn luyện người bán hàng cách sử dụng hiệu quả nền tảng Shopee.

Tuy nhiên, nhiều người bán hàng qua mạng xã hội ở Thái Lan không có niềm tin với hai nền tảng Lazada và Shopee. Patchararak Thanasintrakul, người bán đồ tắm trên tài khoản Instagram của cô, cho biết cô ngại tham gia các nền tảng bán hàng trực tuyến vì lo sợ các sản phẩm cô bị người khác làm nhái hoặc có thể bị áp lực giảm giá để cạnh tranh.

“Chúng tôi đã nghĩ về điều này. Lazada đã tiếp cận chúng tôi nhưng chúng tôi lo ngại về hình ảnh thương hiệu. Lazada muốn chúng tôi hỗ trợ bằng cách giảm giá bán nhưng thương hiệu của chúng tôi chưa bao giờ giảm giá”, Thanasintrakul nói.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới