Thứ Ba, 7/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ và Trung Quốc sẽ ký kết thỏa thuận thương mại tại bang Iowa?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ và Trung Quốc sẽ ký kết thỏa thuận thương mại tại bang Iowa?

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc tại bang Iowa (Mỹ), nơi có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp và đang chịu tác động nặng nề trong cuộc chiến thuế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo dài 16 tháng qua.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ leo thang tới đâu?

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Bế tắc phút 89!

Mỹ và Trung Quốc sẽ ký kết thỏa thuận thương mại tại bang Iowa?
Tổng thống Donald Trump trả lời báo chí tại Nhà Trắng hôm 1-11. Ảnh: Reuters

Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 1-11, Tổng thống Trump nói rằng các cuộc đàm phán về thỏa thuận giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra suôn sẻ và ông hy vọng sẽ ký kết với Chủ tịch Tập Cận Bình tại một địa điểm ở Mỹ trong tháng này.

Ông nói: “Chúng tôi đang tìm kiếm một vài địa điểm để ký kết thỏa thuận. Đó có thể là bang Iowa. Chúng tôi vẫn đang thảo luận các địa điểm nhưng tôi muốn đạt được thỏa thuận trước”.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc kỳ vọng ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một tại một cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Santiago, Chile diễn ra từ ngày 16 đến 17-11.

Tuy nhiên, kế hoạch này phá sản hôm 30-10 khi Chile thông báo hủy hội nghị APEC để tập trung khôi phục trật tự và luật pháp trong bối cảnh nước này đang chìm trong các cuộc biểu tình bạo lực phản đối các bất công xã hội kéo trong hai tuần qua, khiến 20 người chết và hàng trăm người bị thương.

Tổng thống Trump cho biết ông muốn thỏa thuận thương mại được ký kết tại Mỹ và cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình cũng muốn như vậy.

Ông nhấn mạnh bang Iowa, một bang quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, sẽ là một địa điểm lý tưởng: “Chúng tôi đang nghĩ về Iowa. Bạn biết tại sao rồi đấy. Vì bang này sẽ nhận được đơn hàng lớn nhất trong lịch sử đối với nông dân Mỹ. Đối với tôi, bang Iowa có ý nghĩa lớn. Tôi yêu Iowa”.

Bang Iowa là nơi sản xuất thịt heo và đậu nành hàng đầu của Mỹ và đây cũng là hai mặt hàng mà Trung Quốc sẽ mua với số lượng lớn nếu thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết.

Tầm quan trọng chính trị của bang Iowa càng được chú ý khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã cận kề. Ông Trump chiến thắng ở bang Iowa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 với số phiếu ủng hộ 51,1% so với 41,7% của đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Ông Trump đã thắng ở bang Iowa với tỷ lệ phiếu bầu cách biệt lớn nhất so với bất kỳ ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa nào kể từ năm 1980. Trong hai cuộc bầu cử tổng thống 2008 và 2012, ông Barack Obama đều chiến thắng ở bang Iowa trước các đối thủ đảng Cộng hòa.

Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị cấp cao của khối các nước công nghiệp G7 ở Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6. Ảnh: Getty

Vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có đồng ý ký kết thỏa thuận thương mại ở bang Iowa hay bất cứ nơi nào khác ở Mỹ hay không. Tuy nhiên, đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, Iowa là nơi thân quen.

Ông lần đầu tiên đến thăm Iowa vào năm 1985 khi dẫn đầu một phái đoàn nghiên cứu nông nghiệp của tỉnh Hà Bắc sang bang này để học hỏi công nghệ nông nghiệp. Vào lúc đó, ông đã có cuộc gặp với Thống đốc bang Iowa, Terry Branstad, người giờ đây là đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh.

Năm 2012, ở cương vị phó Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập quay lại thị trấn Muscatine, miền đông Iowa để gặp gia đình chủ nhà đã cho ông tá túc trong chuyến thăm 1985.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm sụt giảm mạnh các lô hàng xuất khẩu đậu nành Mỹ và các nông sản khác sang Trung Quốc nhưng Tổng thống Trump đã nỗ lực bù đắp các tổn thất này cho nông dân bằng gói trợ cấp 28 tỉ đô la trong hai năm qua.

Do vậy, tỷ lệ các cử tri nông dân dành cho ông vẫn duy trì ở mức cao. Trong cuộc khảo sát nghiên cứu gần nhất được thực hiện vào hồi tháng 8 do tạp chí thương mại Farm Journal Pulse thực hiện, có đến 71% trong số 1.153  nông dân được hỏi bày tỏ sự ủng hộ dành cho Tổng thống Trump. Tỷ lệ này vẫn cao dù đã giảm so với mức 79% trong tháng 7-2019.

Hôm 2-11, Tim Stratford, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một là tin tốt lành đối với nông dân nhưng các doanh nghiệp Mỹ lại muốn những thay đổi về cấu trúc trong môi trường kinh doanh ở Trung Quốc.

Stratford nhận định, một thỏa thuận thương mại tạm thời sẽ giúp chặn đường vòng xoáy tranh cãi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng lo ngại Mỹ không có đủ ưu thế để thúc ép Bắc Kinh điều chỉnh mô hình kinh tế do nhà nước dẫn dắt.

Ông nói khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 cận kề, Tổng thống Trump có thể quan tâm đến việc sử dụng thỏa thuận thương mại để phục vụ các tham vọng chính trị hơn là giải quyết các vấn đề hệ thống ở Trung Quốc đang gây lo ngại cho cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Hôm 1-11, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, Larry Kudlow, cho biết các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán gần xong các vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ tài chính và tiền tệ trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một.

Theo giới phân tích, điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ tăng mua nông sản Mỹ và sẽ mở cửa hơn nữa các thị trường tài chính cho các công ty Mỹ bao gồm khả năng cho phép các nhà đầu tư Mỹ thành lập các công ty tài chính 100% vốn nước ngoài tại Trung Quốc.

Ông Kudlow nói thêm rằng hai bên cũng đạt được một số tiến triển về chuyển giao công nghệ nhưng sẽ để dành vấn đề này cho các cuộc đàm phán trong giai đoạn hai.

Hôm 3-11, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, bày tỏ lạc quan rằng Mỹ sẽ ký kết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trong tháng 11. Ông nói các bang gồm Iowa, Alaska, Hawaii và các địa điểm ở Trung Quốc đều có khả năng được lựa chọn làm điểm ký kết thỏa thuận này.

Ông tiết lộ Bộ Thương mại Mỹ sẽ sớm cấp giấy phép cho các công ty Mỹ để họ có thể bán linh kiện cho hãng thiết bị viễn thông Huawei, vốn bị Mỹ đưa vào danh sách đen từ hồi tháng 5.

Về phía Trung Quốc, nước này đang yêu cầu Mỹ hủy bỏ kế hoạch áp thuế 15% nhằm vào 160 tỉ đô la hàng hóa bao gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng như laptop, smartphone và đồ chơi, dự kiến có hiệu lực từ ngày 15-12 tới.

Theo Reuters, SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới